PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II B 11)
(PHÂN ĐOẠN 3, TRUYỆN KÍ THỨ 8)
Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm
TRẦN XUÂN AN
CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO
VÀ NGOẠI THƯƠNG
Truyện kí thứ tám
(phân đoạn 3)
8
Thượng thư Bộ Hình, đại thần Viện – Bạc, cũng là quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường bàn luận tình hình, công việc và sau đó tuân chỉ dụ của vua, viết văn thư cho Phủ súy Pháp tại Gia Định (60). Trong bản văn thư tháng ba nguyệt lịch này, ông chỉ nêu lên bốn vấn đề:
1. Yêu cầu Pháp tiễu trừ giặc biển từ Bình Thuận đến Hải – Yên (theo “hoà” ước).
2. Yêu cầu Pháp cho khách thương buôn gạo Nam Kì ra Bắc Kì, vì ở miền ngoài, dân đang thiếu đói.
3. Không nên căm thù Lưu Vĩnh Phúc, Lưu cũng như Françis Garnier.
4. Chưa có thể cho tàu thuyền thông thương lên Vân Nam, vì thương ước chưa có hiệu lực thi hành (thời hiệu) (60).
Với yêu cầu thứ hai, quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường gián tiếp khẳng định sẽ không thể nào “bồi thường” như các giám mục, linh mục Nghệ – Tĩnh và chánh, phó sứ Brossard de Corbigny, Regnault de Premesni kêu đòi! Yêu cầu ấy, còn oái oăm, bi kịch là ở chỗ khác nữa: vựa lúa Nam Kì vốn nuôi sống cả Trung Kì, có thể trợ cấp cho Bắc Kì, nhưng nay đành phải yêu cầu ở Pháp chở ra để bán cho Bắc Kì thiếu đói!
Một yêu cầu khác, văn thư lần này cũng xác định Lưu Vĩnh Phúc đã quy phục, được xem như thần tử (tôi con) trong nước (mặc dù vẫn là “hiệp sĩ phi chính phủ, hành đạo trừ tà”, “ngoài vòng cương toả”); “nay “hoà” ước đã định, đều bỏ hết chớ ngờ để khỏi sinh hiềm khích” (60).
Và hậu quả chua xót cũng là kết quả “lật tẩy” thắng lợi từ cuộc Pháp gây biến Bắc Kì vẫn còn phải giải quyết tiếp. Triều đình phải trị tội bọn quan lại của ta tự “lật tẩy”, trơ trẽn phô bày thói cơ hội “theo gió xoay buồm” khi giặc Pháp khích hấn, xâm lược và bốn tỉnh thất thủ. Đó là tên tri phủ Kiến Xương Đào Trọng Kỳ (61) (người xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, kẻ làm xấu hổ quê hương Trạng Trình! (62)); hai tên khác là quan võ, đều sung làm hiệp quản, Lê Đình Quyên và Nguyễn Văn Quy (61). Đồng thời, tiếp tục khen thưởng nhiều xã, như Trung Năng thuộc huyện Phổ An, Bá Vân thuộc huyện Đại Từ, đều ở tỉnh Thái Nguyên, tự đem quân đoàn luyện (hương binh) chống bọn phỉ và có khả năng chống cả bọn Pháp, khiến chúng không thể đánh chiếm được các huyện, làng ấy.
Việc ở Bắc Kì còn thêm nặng nề khi bước vào tháng tư năm Ất hợi này, ấy là đê Văn Giang lại vỡ! Thế là nạn đói lại đe doạ, nạn đói mà quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường mới viết thư yêu cầu Pháp phải chở gạo ra bán! Lãnh tuần vũ Nghệ An Vũ Trọng Bình mới được chỉ dụ về kinh nhận chức tả tham tri Bộ Lại với lời khen của vua, “để đem thói [:đức tính] liêm chính sẵn có, làm phép cân nhắc, chắc được xứng chức” (63) như Nguyễn Văn Tường năm nào dâng sớ đề nghị, nhưng, tiếc thay, vì vỡ đê Văn Giang là việc khẩn cấp, ông lại tất tả ra ngoài ấy “phát chẩn và sửa đê điều cho vững” (63).
Và bi kịch Ông Ích Khiêm lại xảy ra!
“[Vua] sai giải [giao] nguyên quyền tán tương quân thứ Bắc Ninh là Ông Ích Khiêm về kinh đợi án.
Bấy giờ Ích Khiêm đem quân đánh giặc ở An Định (thuộc Bắc Ninh), tự thu quân về. Tổng đốc Bắc Ninh Tôn Thất Thuyết cho là Ích khiêm đánh giặc [mà] thương tổn [:hao quân, tổn lính ta] nhiều, tự tiện đem quân về, không theo tướng lệnh, [nên] bắt xích giam ngay, tâu xin xử trí. Quan tỉnh Hải Dương Phạm Phú Thứ [lại] nghe người nói Ích Khiêm đánh thắng, đã trình, rồi [mới] về, [nên ông] xin phái quan to đến tra xét và xin điệu [Ích Khiêm] về Hải Dương để trấn áp [phỉ]. Vua sai giải giao [Ích Khiêm] cho tỉnh Đông [:Hải – Yên] phái đi làm việc. Tôn Thất Thuyết lại tâu: “Tỉnh Đông hiện có phái viên nước Pháp ở đấy bàn bạc [việc thương chính], [và] sự thể tỉnh Đông, tỉnh Bắc cùng quan trọng, mà Ích Khiêm thì tâm tình, ngôn ngữ không phải là người yên thường giữ phận, sợ đến dỗ dành người khác sinh sự, tưởng quan tổng đốc tỉnh Đông không áp chế được. Xin chuẩn cho đem Ích Khiêm về kinh xử trị, để khỏi trở ngại”.
Vua nghe theo, sai giải giao [Ích Khiêm] cho Hà Nội xét qua, giải thẳng về kinh chờ án. (Sau Ích Khiêm đến kinh, mắc bệnh tâm hoả [lo phiền], liền cho về quê)” (64) .
Chả là Tôn Thất Thuyết mặc dù đang chất chứa trong tim mối căm thù giặc Pháp, mối căm thù sùng sục khôn nguôi, ông cũng đành phải lo âu về việc làm vỡ không khí nghị “hoà” bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng ở Hải – Yên. Danh tướng Tôn Thất Thuyết ngại rằng, chính danh tướng Ông Ích Khiêm sẽ không kìm chế được lòng căm thù Pháp như mình, gây ra khích biến.
Ở kinh đô Huế, thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Tường không biết nói sao, khi Ông Ích Khiêm được giải vào, cơn bệnh tâm hoả ăm ắp lo phiền của ông ấy lại phát ra. Nguyễn Văn Tường không ngờ số phận thần đồng văn chương cũng là danh tướng quân sự của Ông Ích Khiêm lại bi kịch đến thế! Ông chỉ biết cùng triều đình miễn nghị, và tiễn Ông Ích Khiêm vào lại làng quê Phong Lệ, huyện Diên Phước ở đất Quảng Nam tả trực kì. Khi tiễn chân vị danh tướng họ Ông, thượng thư Nguyễn Văn Tường chỉ biết nói với con người bi kịch ấy: “Gắng chữa khỏi bệnh, rồi lại ra kinh đô, cùng nhau làm việc tại Bộ. Chẳng có gì phải nản chí”.
Chỉ mươi, mười lăm hôm sau, với chức năng quan Thương bạc, Nguyễn Văn Tường lại phải cùng Viện – Bạc hội bàn về chính mắc mứu giữa phái viên Pháp Dujardin với tổng đốc Bắc Ninh kiêm thống lĩnh quân vụ Ninh – Thái – Lạng – Bằng Tôn Thất Thuyết (65).
Bấy giờ, Pháp đang làm dinh thự Nha Thương chính ở xã Gia Viên, tỉnh Hải Dương, gồm trụ sở cho lãnh sự, quan thu thuế và bọn lính Pháp hộ tùng, cũng cho cả linh mục thông ngôn Nguyễn Hữu Cư, kẻ đang được giữ chức tham biện, một chức quan của triều đình (66). Bấy giờ, hai trăm (200) bản thương ước Giáp tuất đã được in ra phát hành cho các tỉnh, những người buôn Trung Hoa, để có cơ sở làm công tác thuế quan và thuận lợi trong việc thương mại (67). Và cũng bấy giờ, Nha Thương bạc của triều đình Huế đang được làm tạm bằng tranh tre ngoài Thành Nội, phía bên trái cửa Đông Nam (Thượng Tứ), nơi nhìn ra bờ sông Hương (68). Những tưởng những thù oán, hiềm khích trước khi kí kết “hoà” ước, thương ước đã dịu hẳn, nhưng thực tế không phải thế.
Tháng mười nguyệt lịch năm ngoái (1874), tướng Pháp tại Gia Định vẫn còn ra lệnh cho Dujardin cùng tàu Sắc Tê (La Sarthe? Le Salteé?) chở thức ăn đến cung cấp cho Jean Dupuis. Tất nhiên, có lẽ Tôn Thất Thuyết không thể làm ngơ. Ông phải chuẩn bị quân binh và không thể không nói cho chúng biết, không phải chúng muốn làm gì thì làm. Tướng Du (?)và những tên viễn chinh đi theo tàu ấy hiện vẫn đồn trú tại Hải Dương. Đến nay, tên tướng Du (?) này lại cùng Dujardin (La Đăng) đều gửi thư hoặc tỏ ý bằng lời, bảo rằng chúng rất nghi kị Tôn Thất Thuyết, một khi Tôn Thất Thuyết còn chỉ huy các quân thứ đóng ở Bắc Ninh. Chúng sợ sẽ bị Tôn Thất Thuyết bất ngờ tấn công. Do đó, mắc mứu ấy phải được giải minh cho rõ, mặc dù giải minh một cách ngoại giao! Quan Thương bạc đã phải trả lời cho Phủ suý Pháp tại Gia Định về mắc mứu, thực chất là cái gờm nhau ấy (68).
“Hoà” ước, thương ước ư? Thật ra Pháp vẫn giết hại những ai đã từng chống đánh chúng, nếu chúng có thể bắt được và giết được. Nguyễn Hữu Huân (69), một cử nhân thủ khoa người Định Tường, ra vùng tị địa ở Bình Thuận, trước đây mộ quân đánh Pháp. Pháp bắt dược, lưu đày ra nước ngoài (đảo Réunion), lại phóng thích cho về. Khi về lại Đất nước, thủ khoa Huân lại kết nghĩa đồng chí với cử nhân Âu Dương Lân (69), người đồng tỉnh Định Tường, cùng kẻ sĩ văn thân lục tỉnh Nam Kì, trong đó có một số người nước Thanh (Hoa kiều). Cả thảy khoảng ba ngàn (3.000) nghĩa sĩ (69). Nhiều cuộc tấn kích vào chính bọn Pháp đã được tiến hành, đạt nhiều thắng lợi. Những nghĩa sĩ ấy chiến đấu ngay cả trong những năm gần đây (1872 – 1874). Đến nay, trong những ngày tháng tư Ất hợi (1875) này, Pháp bắt được, đã tử hình hai ông cùng hơn trăm người thủ lĩnh nghĩa quân ở Mỹ Tho (Định Tường). Có người bảo Nguyễn Hữu Huân đã cắn lưỡi tử tiết trên pháp trường (70).
Quốc sử quán triều Nguyễn chỉ còn biết ghi tên hai ông với sự hi sinh của hơn một trăm liệt sĩ khác, cùng công trạng của ba ngàn nghĩa quân cho nghìn thu ca ngợi, tôn vinh! Lịch sử mãi mãi ca ngợi, tôn vinh ý chí chiến đấu chống ngoại xâm, cho dẫu chiến đấu trong tuyệt vọng.
Chính những trận tấn công như thế vào chính binh tướng Pháp viễn chinh, cố đạo Pháp viễn chinh, vốn đã làm bọn thực dân Pháp rúng động, sợ hãi, cũng là một cách chiến để đàm, mặc dù có thể không có một mật ước, mật dụ nào cho các anh hùng, nghĩa sĩ.
9
Những ngày hạ tuần tháng sáu, thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Tường, thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tư Giản được sung chức đọc quyển trong kì thi phúc hạch cử nhân trúng cách (thi hội và thi đình) (71). Đó là hai giám khảo chính. Ngoài ra, tả thị lang Bộ Lại Trần Văn Chuẩn, hồng lô tự khanh sung làm việc ở Nội các Bùi Ân Niên (Bùi Dị) được sung vào chức duyệt quyển (chấm lại những quyển bài thi đã được lấy đỗ) (71).
Trong bốn kì thi hội và một kì thi phúc hạch cuối cùng, gọi là thi đình, khoá Ất hợi này, có những đề thi rất sát với thời sự. Kì thi đình do chính vua Tự Đức sát hạch các sĩ tử, để chọn thám hoa, bảng nhãn (không có lệ lấy trạng nguyên!). Chính bài chế sách của nhà vua nổi tiếng uyên bác cổ văn là Tự Đức, cũng hướng tới việc canh tân Đất nước theo “Tây học vi dụng, Đông học vi thể” .
Thượng thư Nguyễn Văn Tường là người đã từ lâu đề xuất việc cải cách thuế ruộng ở Đàng Ngoài, nhất là ở Bắc Kì, trong các phiên họp Viện Cơ mật – Thương bạc. Những ý tưởng này hình thành từ những năm còn làm tri huyện, phủ doãn (72) và nhất là những năm tiễu phỉ ở phía bắc Đất nước. Việc thống nhất hai miền, Đàng Trong và Đàng Ngoài, về mặt hành chính, vốn đã được thực thi từ thời Quang Trung, và rõ rệt nhất là dưới thời Gia Long, rồi trải qua ba triều kế tục, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Tuy nhiên, thực trạng kinh tế (gồm cả tài chính) vẫn có những khác biệt lưu cữu. Đến năm Tự Đức thứ hai mươi tám, Ất hợi (1875), trước kiến nghị cải cách về thuế ruộng công, ruộng tư Nam – Bắc để thống nhất về thuế vụ trong cả nước nhà vua hơi dè dặt. Nội dung cốt lõi của cải cách này là, giảm thuế ruộng công, tăng thuế ruộng tư, nghĩa là nghiêng về phía ưu đãi cho người nghèo (tá điền, cố nông) thiếu ruộng công để cày cấy. Thực chất đó cũng là một cách ổn định tình hình chính trị – xã hội, cụ thể là giảm bớt bao nông nỗi đau lòng, như sự loạn lạc, xiêu tán của nông dân, do đói kém, thiếu ruộng để canh tác. Trước khi ban hành chủ trương ấy, trong kì thi hội, thi đình này, một đề thi đã được ra cho các cử nhân sắp sửa là phó bảng, tiến sĩ, như một cách thăm dò, tham khảo và cũng là cách tuyển chọn. Đó là đề thi kì thứ hai, cho những sĩ tử đã đỗ kì thi thứ nhất: “Nghĩ kim linh Bắc Kì quân điền phú chiếu” (nghĩ làm bài chiếu nay khiến Bắc Kì chia đều thuế ruộng) (73) .
Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng sau, chính Nguyễn Văn Tường đã được chuẩn cho để thực hiện chủ trương này, trên cương vị mới là thượng thư Bộ Hộ (74). Và suốt nhiều năm sau đó ông vẫn tiếp tục đấu tranh với các cường hào ác bá và các quan tỉnh để thực hiện.
Trong kì thi hội và thi đình này, ngoài ra, còn có những đề thi khác rất thời sự, cùng những đề về kiến thức và thái độ, nhân cách, đạo đức kẻ sĩ (73):
1. “Như hà tư khả vị sĩ hĩ” (thế nào gọi là kẻ sĩ).
2. “Lai bách công dã, nhu viễn nhân dã” (gọi trăm quan lại, ôn hoà với người phương xa [:người nước ngoài]).
3. “Tứ giao đa luỹ, thử khanh đại phu chi nhục dã, địa quảng đại hoang nhi bất trị, thử diệc sĩ chi nhục dã” (bốn cõi nhiều hào luỹ là nhục của các quan khanh và đại phu, đất rộng bỏ hoang nhiều mà không dùng cũng là nhục của kẻ sĩ vậy).
4. “Nghĩ giảng hoàn tứ tỉnh thần dân hạ biểu” (nghĩ làm bài biểu thần dân mừng về việc trả lại bốn tỉnh).
5. “Ngự nhung vô thượng sách” (bài luận về câu “chống giặc không có kế sách nào hay nhất”).
6. “Phú đắc bất tham vi bảo thi” (bài thơ theo câu “Giàu [?]lại được thêm mà không tham là báu”, lấy vần “tham”).
7. “Phú sứ lai triều tu hảo hợp lễ phú” (làm bài phú nói sứ thần nước Pháp đến triều để tu sửa sự giao hảo [:quan hệ ngoại giao tốt đẹp] cho hợp lễ [đạo thường]).
8. Trích chế sách kì thi đình của vua Tự Đức: “Vả sao gần đây càng suy tôn phương pháp của Phương Tây? Vậy phương pháp ấy có quả thấy xác thực hơn hẳn cổ nhân, hay cũng chỉ là một loại ồ ạt nói liều mà thôi? […].Thậm chí các việc dẫn điện, thu lôi, chế hơi để dùng, các sự quái dị ấy, cơ hồ đoạt được quyền tạo hoá, thì làm sao nà tiến được đến như thế? […]. Hoặc là muốn biến đổi tất cả văn hiến từ ngàn năm, mới có thể làm nên phú cường được? Có phải thế chăng? Tất là có thể thừa biện được? Hoặc là theo như nước Nhật Bản cấp thiết về công việc gần trước mắt mà bắt chước được không? Xưa kia có người biến đổi quần áo rợ Hồ [phía tây bắc Trung Hoa] mà được hưng thịnh, có người vất bỏ phong tục rợ Hồ mà bị suy vong. Hai đằng khác nhau. Vậy biết lấy gì làm chuẩn đích? Những điều này là trẫm đều muốn tìm hiểu và muốn được nghe biết vậy” (73) .
Hai giám khảo chính là Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tư Giản đã cẩn trọng, cân nhắc rất kĩ khi chấm các quyển bài thi, để chọn những người xứng đáng được chọn vào các thứ hạng trúng tuyển. Hai giám khảo khác, Trần Văn Chuẩn và Bùi Ân Niên, đã duyệt lại các quyển. Kết quả: mười một (11) tiến sĩ, đồng tiến sĩ xuất thân (có thứ bậc); sáu (06) phó bảng (71).
++ Tiến sĩ: Phạm Như Xương (Quảng Nam), Nguyễn Hữu Chính (Chánh, Nghệ An).
++ Đồng tiến sĩ: Đinh Nho Điển, Đinh Văn Chất (Nghệ An), Phan Du, Hoàng Hữu Thường, Tống Duy Tân (Thanh Hoá), Lê Duy Thụy, Vũ Hữu Lợi (Nam Định), Trần [Văn] Dư (Rư, Quảng Nam), Cao [Đăng] Đệ.
++ Phó bảng: Lê [Đăng] Trinh (Quảng Trị), Hồ Bá Ôn (Nghệ An), Đỗ Thiện Kế, Phạm Xuân, Đỗ Huy Điển, Tạ Thúc Đĩnh (71).
Phạm Như Xương, Nguyễn Hữu Chính, Đinh Nho Điển, Phan Du nguyên là hạng thứ trúng cách trong bốn kì thi, được gia ân cho vào thi đình. Nhưng ở kì thi đình, họ lại vượt lên, hầu như chiếm đầu bảng. Chen vào giữa hai đồng tiến sĩ dẫn dầu danh sách này chỉ có mỗi một Đinh Văn Chất.
Có một điều rất đáng lưu ý để suy nghĩ: trong mười bảy vị được trúng tuyển kì thi hội và thi đình này, về sau, có đến bảy vị là anh hùng, liệt sĩ (75).
Sau khi niêm yết bảng kết quả, đầu tháng sáu nguyệt lịch, thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Tường liền được đổi bổ làm thượng thư Bộ Hộ, vẫn sung đại thần Viện Cơ mật, kiêm quản lí công việc Nha Thương bạc (Nha Ngoại giao và Ngoại thương) (74). Thượng thư Bộ Hộ Trần Bình chuyển công tác sang Bộ Hình, kiêm quản cả Bộ Công giúp cho Phạm Ý (ông đang được phép về quê cư tang ba tháng) (74).
Đó là một sự sắp xếp lại nhân sự rất xứng hợp. Thượng thư Nguyễn Văn Tường rất vui mừng vì ông sẽ kiên quyết thực hiện cho bằng được kế sách mới về thuế ruộng đất Đàng Trong – Đàng Ngoài để thực sự thống nhất Đất nước về chiều sâu và thêm một bước lo toan cho nông dân nghèo khó, thiếu đất cày, bị địa chủ bóc lột, phải lưu ly xiêu tán.
Sau những công việc bình thường nhưng không phải không quan trọng ở những ngày tiếp theo, thượng thư Nguyễn Văn Tường lại quay trở lại với chủ trương ông rất tâm huyết từ lâu là cải cách thuế ruộng công, ruộng tư bằng nhau trên khắp Đàng Trong, Đàng Ngoài ấy. Trong khi chuẩn bị và chờ một thời điểm gần nhất để công bố văn bản, ông cùng các quan trong bộ mới nhậm chức, các quan Viện – Bạc và các quan ở Bộ Công bàn việc định lệ phái tàu thuyền đến các nước phương xa với mục đích mua bán, lấy thu bù chi, đồng thời chú ý thăm xét, tìm hiểu tình hình ở các nước đó, nhất là việc các nước Âu Mỹ (Phương Tây) đang hội họp với nhau (76) ở nhượng địa Hương Cảng… Đó là một việc thường xuyên trước đây, nhưng lâu nay tất cả sức lực đều chỉ giải quyết tình thế trong nước, nên bỏ bẵng. Một việc khác thuộc Bộ Hộ là bắt đầu thu lại thuế thiếc, một loại hàng hoá khoáng sản được khai thác từ các mỏ ở Vân Nam (Trung Quốc), trước đây thường xuôi thuyền về Hà Nội trên tuyến sông Hồng để lại chở sang Quảng Đông, với mức thuế thường niên lên đến bảy vạn ba ngàn (73.000) quan (77). Đó là tuyến đường vốn từ lâu đã có, gần đây Jean Dupuis cố khai thác và xem như một phát hiện mới! Và việc bình thường nhưng quan hệ đến mức sống nông dân là nạn sâu bọ ở Hải Dương. Phạm Phú Thứ tâu về Bộ Hộ, Bộ Hộ tâu lên vua, nhà vua quở trách các quan lớn nhỏ ở tỉnh ấy không tự chủ động giải quyết nổi nạn thường gặp ấy, với thói tật và ngôn từ quân phụ (vua cha) – thần tử (tôi con) rất hoàng đế của mình (78)! Một sự kiện khác, tuy nhỏ nhưng có tính chất chính trị – ngoại giao lớn, đó là việc khâm sứ Pháp đến Huế (79). Nhưng sự lệ đón tiếp đã có Bộ Lễ (79) của thượng thư Lê Bá Thận đảm trách.
Sau những vụ việc bình thường nhưng không thể xem là không quan trọng ấy, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường được chuẩn y để công bố chủ trương cải cách thuế ruộng công, ruộng tư bằng nhau trên khắp Đàng Trong, Đàng Ngoài (80):
“Cho thuế ruộng công, tư, từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, chiểu theo thuế lệ từ Quảng Bình trở vào Nam, bắt đầu từ năm sau.
[Trước đây, từ] Quảng Bình trở vào Nam, ruộng công [, ruộng] tư mỗi mẫu hạng nhất: [lấy thuế là] bốn mươi (40) thưng thóc, hạng nhì: ba mươi (30) thưng, hạng ba: hai mươi (20) thưng. Mà [trong khi đó, từ] Hà Tĩnh trở ra Bắc, ruộng công hạng nhất: thóc thuế tám mươi (80) thưng, hạng nhì: năm mươi sáu (56) thưng, hạng ba: ba mươi ba (33) thưng, [và] ruộng tư hạng nhất: hai mươi sáu (26) thưng, hạng nhì hai mươi (20) thưng, hạng ba: mươi ba (13) thưng.
[Như vậy, qua sự so sánh, thấy rõ: thực trạng mức thuế ruộng công, ruộng tư chênh lệch nhau ở Đàng Ngoài, từ sông Gianh trở ra,] so với [mức thuế ruộng công, ruộng tư đều nhau ở Đàng Trong, từ sông Gianh] trở vào Nam [, thì ở Đàng Ngoài] ruộng công rất nặng [thuế], ruộng tư rất nhẹ [thuế]. [Do đó] cho nên [cần phải] cho đều nhau [về thuế]” (80) .
Tất nhiên, kích thước để tính đơn vị đất ruộng cũng phải thống nhất (sào, mẫu đất ruộng Bắc Bộ đương nhiên phải không khác sào, mẫu Trung Bộ).
Đó chính là chủ trương cải cách thuế ruộng để thống nhất Đất nước về chiều sâu, ấy là về nền tảng cơ bản nhất của xã hội nước ta, một xã hội trọng nông, xưa đến bấy giờ đều khẳng định “nông vi bản”. Chính chủ trương được công bố trong những ngày đầu tháng bảy năm Ất hợi (1875) là một trong những đề thi hội vào cuối tháng sáu nguyệt lịch trước đó. Thăm dò ý kiến sĩ tử ưu tú nhất, thấy họ đều biểu đồng tình với cách luận giải riêng rẽ nhưng đều vẫn chung nhất, ngay lập tức thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Tường được chuẩn cho chuyển đổi sang làm thượng thư Bộ Hộ, để thực hiện một chủ trương ông từng ấp ủ nhiều năm.
Và từ khi chủ trương này được thực thi, trong một vài vụ mùa sau, người ta nghe trên những cánh đồng, dưới bao mái nhà nông thôn vang lên tiếng hát ca dao, chê trách một cách sắc ngọt những “bà” địa chủ, những “ông” phú nông bóp nặn bao tá điền, bao nông dân không còn một tấc đất cắm dùi:
“Từ nay tôi cạch đến già
Tôi không dám cấy ruộng bà nữa đâu
Ruộng bà vừa xấu vừa sâu
Vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền
Tôi về cấy ruộng công điền
Hạt thóc đã lớn, quan tiền trao tay”.
Nhưng rất tiếc, mặc dù không phải không đúng, khi xảy ra việc người bạn đồng triều của thượng thư Nguyễn Văn Tường cũng là giám khảo của cuộc thi hội, thi đình lần này lại gặp phải một sự cố, đành phải lạc chức. Nguyễn Tư Giản, đang là thượng thư Bộ Lại, bị biện lí Tôn Thất Phan tâu hặc (81): Chính quan Bộ Lại Nguyễn Tư Giản đã kí tên vào tờ đơn đóng ấn giả mạo, nộp ở Bộ Lại, cùng với chữ kí tham tri Nguyễn Văn Thuý, thị lang Nguyễn Mậu Đạo! Tờ đơn ấy lại là của tên xảo trá Phan Văn Nhã, một học trò của Nguyễn Tư Giản! Ti Tam pháp cùng Nội các xét xử. Cả ba viên quan cùng Bộ đều bị giáng, cách. Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tư Giản bị vua Tự Đức phê phán: “Tư Giản thiên tư [:thiên vị], dong túng, rất phụ lòng tin yêu của trẫm, phải cách chức ngay, chuẩn cho đến miền núi mộ dân khẩn hoang, làm việc chuộc tội” (81) . Thượng thư Bộ Lễ Lê Bá Thận được phân công kiêm quản chức trách Nguyễn Tư Giản mới rơi khỏi (81). Đó là một vụ việc rất đáng tiếc nhưng không phải không đúng! Biết làm thế nào được! Phải “thượng tôn luật pháp”.
Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường đành tiễn chân Nguyễn Tư Giản ra Sơn phòng Chương Đức (huyện Ứng Hoà, huyện Mỹ Đức) thuộc tỉnh Hà Nội (82), với lời hi vọng vào một ngày sớm nhất ông ấy lại về triều, để tiếp tục ủng hộ Nguyễn Văn Tường trong việc thực hiện chủ trương rất tâm huyết, ấy là cải cách thuế đất ruộng: thuế ruộng công bằng thuế ruộng tư, trên khắp Đàng Trong, Đàng Ngoài.
10
Nha Thương bạc nhận được liên tiếp hai văn thư của Phủ suý Pháp tại Gia Định do tên tướng Duperré viết và kí tên, đóng dấu. Một văn thư về việc hỗ giao thương ước Giáp tuất (83). Một văn thư khác, với nội dung phê phán tổng lí thương chính đại thần Phạm Phú Thứ: “Viên ấy không có lòng tốt” (84) ! Việc tiến hành lễ hỗ giao thương ước, vào giữa tháng bảy nguyệt lịch, năm Ất hợi (26.8.1875), được tiến hành rất giản dị tại dinh Nha Thương bạc. Như vậy cũng tiện cho Pháp và cả cho nước ta. Đầu tháng tám, Phạm Phú Thứ lại dâng sớ xin từ chức, về triều! Hoá ra, Duperré cũng đã trực tiếp gửi bản văn thư ra Hải Dương cho ông! Vua Tự Đức ra dụ, bảo Phạm Phú Thứ phải cố lưu lại, hết sức nỗ lực giao hảo và làm việc cho xứng đáng với chức trách giao phó (84).
Mặc dù đã hỗ giao “hoà” ước lẫn thương ước Giáp tuất, Pháp vẫn muốn lấn ép triều đình nước ta trong việc bố trí quan chức cấp cao để chúng có thể thao túng về thương chính. Đối với thượng thư Nguyễn Văn Tường, chúng càng quyết dùng thủ đoạn để triệt hạ ông. Không những Nguyễn Văn Tường, Phạm Phú Thứ mà một vài viên quan đầu tỉnh khác cũng thế, như tuần vũ Thuận – Khánh Lê Đình Tuấn, chẳng hạn. Bọn Phủ suý Pháp cho rằng Lê Đình Tuấn và điển nông sứ Phan Trung, qua một người Hoa là Trần Khai Kim, vẫn còn ngầm hỗ trợ quân khởi nghĩa của Thủ khoa Huân (văn thân lục tỉnh vốn liên kết với nhóm “người Thanh tóc dài” ) ở Nam Kì (85).
Rõ ràng tâm địa của bọn Pháp là không bao giờ có thiện chí. Và triều đình cùng các quan ta cũng không bao giờ nguôi quên kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm là Pháp, trong đó “tả đạo” Pháp là một lực lượng của chúng. Điều đó không một ai ngây thơ để không biết. Ngay cả vua Tự Đức, một người cơ hồ như luôn nuôi ảo tưởng về thiện chí của Pháp trong một số sắc dụ, cũng không phải không nhận ra, có điều nhà vua không tiện nói thẳng, ngại chính mình cũng “thiếu tình hữu hảo (!)”, gây khích biến với Pháp.
Tình hình như thế, không thể khác hơn, nên triều đình và các quan phải “hai mặt” (bề ngoài vẫn làm ra vẻ “hữu nghị”, bên trong phải luôn chống cự thủ đoạn xâm lược “tàm thực”, tằm ăm lá dâu của Pháp) để đối phó với chúng. Từ tình hình đó, vua Tự Đức cho rằng từ nay, phải chú trọng việc tối cẩn mật (86): Những tờ mật tâu của các quan, kể cả đình thần, đều phải do Viện Cơ mật lưu trữ bản gốc, sau khi Viện đã lược ghi một cách tóm tắt vào phiếu tâu. Ngay cả đình thần hoặc Nội các khi gặp việc đúng chức năng, cần xét nghĩ, làm phiếu tâu, cũng phải đến tại Viện Cơ mật để nghiên cứu tại chỗ. Lệ này được định lại khác với trước. Trước đây, những tập tâu mật rất quan trọng này, có khi chỉ được lược ghi, xét nghĩ và lưu trữ bởi Nội các, không nhất định gì cả. Phải định lại lệ bảo mật như vậy (86).
Có lẽ hai tập sớ, tấu của Nguyễn Chính và Trương Quang Đản là đầu tiên theo lệ mới định lại. Tập sớ của tổng đốc An – Tĩnh Nguyễn Chính trình bày về số lượng nhà dân trong cuộc nội chiến lương – giáo Giáp tuất 1874 bị thiêu sát (đốt, giết) là khủng khiếp: chín ngàn lẻ năm mươi (9.050) hộ; các hộ dân ấy xin chiểu lệ hoả hoạn cứu giúp, miễn thuế, cho khỏi trả thóc vay (87)… Tập tâu của Trương Quang Đản về việc tổ chức lại, tăng cường thêm về hệ thống sơn phòng khắp nước “tuy nói rằng để vững bờ cõi ta, thực để phòng bị mối lo không ngờ” (88) , đó là sự tấn công của Pháp.
Và như thế, đâu phải “hoà” là để thúc thủ, đầu hàng từng bước. “Hoà” là để thủ, thủ là phải chấn chỉnh binh lực, cải cách nội trị, và để canh tân công nghệ. Tuy nhiên, cả đình thần không ai không biết về thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành, đến lúc này, ông ta lại trễ nãi việc luyện binh (89). Vua Tự Đức trách Bộ Binh của ông ta:
“Hiện nay việc binh là rất trọng yếu, mà súng ống lại là đồ dùng cho việc binh trước nhất. Nên trước hết phải luyện tập cho đều tinh thạo, khi cần đến mới mong được việc. Nếu có sai phái [đi đến các nơi], cũng liệu để lại [để] học tập, đâu có thể uỷ cho việc nhiều mà bổ [đi], không luyện tập được” (89) .
Trong tình hình cuộc chiến ngoại giao, thương mại đã bước đầu khởi sự, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường phải tâu xin định lại thật chặt chẽ điều lệ biên thu thuế quan (90) trên mặt trận thương chính, đồng thời chuẩn bị công bố vào tháng chín sắp tới về định lệ tâu báo theo kì hạn nhất định cho Nha Thương chính (90):
“Mỗi tháng thuyền hạng nào xuất nhập bao nhiêu, thu thuế bao nhiêu, đến cuối tháng làm bản tư về Bộ [Hộ, để Bộ Hộ] trình lên [nhà vua] xem. Cả năm làm bản tâu một lần. Còn tình trạng đình hay báo, kiểm thu, phát mại, khó hay dễ, thường hay phức tạp, [phải] xét cho thực, không ẩn giấu. Từ sau, Hà Nội, Bình Định [nơi có cửa biển Thi Nại] cũng theo thế” (90) .
Đó cũng là cách để nắm chắc tình hình ở các sở thương chính, nơi cả bọn Pháp lẫn quan ta cùng đối tác, làm việc theo theo thương ước Giáp tuất 1874.
Và để khích lệ việc canh tân, thành lập các cơ xưởng, tăng gia sản xuất các mặt hàng dệt, nhuộm như nhung vải ở Hà Nội, các mặt hàng cơ khí như xe, thuyền, đồng hồ, các sản phẩm công cụ cho nghề nghiệp (cày, khung dệt…), cả súng ống và các loại khí giới khác ở các tỉnh trong nước, Bộ Hộ của thượng thư Nguyễn Văn Tường đã tâu bày để có những lệ định được chuẩn và có các sắc dụ ban ra:
“… Khuyên bảo dân xã Sam Cầu, người nào tinh xảo thì tạm cấp cho tòng cửu phẩm, hộ trưởng thì mộ dân lập hộ. Trong một năm dệt được tốt đẹp, hộ trưởng được thưởng thụ tòng cửu phẩm, hộ phu được miễn binh đao, thuế thân. Cả năm mỗi tên nộp thay [thuế] bốn (04) thước [ta] nhung sợi” (91).
“Lập xưởng thợ làm thành đồ, là để có lợi cho cả nước. Nước ta đồ dùng đều có thể làm được, nếu biết hết lòng tìm tòi, nhân xấu đến tốt, thì lo gì nghề nghiệp không mở rộng mà cam chịu kém người… Phàm việc gì ích quốc lợi dân thì khuyên bảo sĩ dân trong hạt hết lòng suy nghĩ, không chỉ các nghề dệt nhuộm, nung đúc mà thôi. Phàm máy móc như xe, thuyền, súng, khí giới, đồng hồ, cho đến các đồ dùng về cày, dệt, có thể bớt được sức người mà dùng được tiện lợi, thì hết thảy phải khuyên bảo người khéo. Có người có tài năng thì đều đem tâu lên, không cứ hạng người nào. Nếu muốn thân hiển vinh để tiếng về sau, tính nghề gì thạo có thể giúp ích cho thực dụng, đều cho không ẩn giấu; đợi lại xét thực thêm, tuỳ được ích lợi nhiều hay ít, [triều đình sẽ] liệu thưởng cho chức quan, để biết được khuyến khích…” (91).
“… Từ sau, phàm các tỉnh có tỉnh liên quan đến việc buôn [:thương mại] và các việc giao thiệp [:ngoại giao] mà là khẩn cấp, thì trừ việc rất trọng đại quan ngại, tâu ngay đợi chỉ ra, còn thì chuẩn cho được cùng lòng dựng nước, châm chước tuỳ theo tình thế, đều chiểu theo ước cũ trước, tuân theo ý chỉ, làm cho thoả đáng, cốt phải trong yên, ngoài tin, rất có lợi ích. Một mặt làm ngay cho kịp việc, một mặt tâu gấp để biết…” (92) .
Trong các lĩnh vực quốc kế dân sinh thuộc Bộ Hộ và ngoại giao thuộc Nha Thương bạc, rõ ràng thượng thư Nguyễn Văn Tường đã tham mưu, tư vấn cho nhà vua, người ở địa vị tập quyền cao nhất, bằng những phiếu tâu trên cơ sở những tấu, sớ các địa phương gửi về với những kiến giải, đề xuất của bản thân. Tất cả đều được bàn luận ở Viện – Bạc và ở những buổi thiết triều bàn việc nước, trước khi trở thành định lệ và sắc dụ.
Có những điều rất mới mẻ so với trước. Đó là ý thức tự hào không chịu thua kém nước người trong sản xuất. Đó là quan niệm cũng là hướng mở trong việc lập thân (lập đức, lập công, lập ngôn) bằng các nghề thực nghiệp chứ không chỉ tu hành đắc đạo, làm việc thiện tận tâm, tận lực, thành công hiển hách trong chiến trận hoặc trên chính trường, hoặc ở sự nghiệp văn sử từ chương. Quan niệm về con đường tiến thân của kẻ sĩ, nhân dân không chỉ là khoa cử độc đạo.
Có một điều là triều đình vẫn duy trì “hoà” ước Nhâm tuất 1862, nếu các quan tự chủ động giải quyết, ứng xử trước tình huống cấp thời, nhưng không quan trọng, khi chưa kịp tâu báo và chưa có sắc dụ chỉ đạo cụ thể.
Nhìn chung là tình hình ít lâu sau khi “hoà” ước, thương ước đã được hỗ giao với sự phê chuẩn của hoàng đế Đại Nam và tổng thống toàn quốc Cộng hoà Pháp là thế. Đó là sự lấn ép của Pháp qua việc chúng yêu sách thay đổi quan chức. Đó là việc triều đình mở rộng quy mô sơn phòng trên toàn quốc (trong sự trễ nãi của Trần Tiễn Thành). Đó là việc triển khai đối sách trong cuộc chiến không tiếng súng, về ngoại thương và ngoại giao. Cuộc chiến ngoại thương và ngoại giao? Hình thái ấy là một loại hình chiến tranh chưa từng có trước đó. Không phải cường điệu mà đấy là sự thực.
Nhưng lại nổi bật lên là nguồn tin về tên giặc Cờ vàng Hoàng [Sùng] Anh đã bị bắt sống bởi quan quân quân thứ Tuyên Quang, với sự hỗ trợ của quân nhà Thanh do Triệu Ốc chỉ huy (93). Hoàng Anh là một trong vài tên tướng giặc Cờ gian giảo và hung ác nhất. Y liền bị xử lăng trì bêu đầu, đóng hòm thủ cấp chuyển giao đến các tỉnh (93). Tuy vậy, tình hình phỉ ở biên giới bắc vẫn chưa phải đã thanh toán hết!
Hết tệp 11
(phân đoạn 3 truyện kí thứ 8)
Khởi viết truyện kí thứ tám này
vào lúc khoảng 07 giờ sáng,
ngày 17.11.2002 (13.10 Nh. ngọ, HB.2).
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 8 lúc 16 giờ kém 10 phút,
ngày 30.11.2002 (24.10 Nh. ngọ, HB.2).
Sữa chữa xong vào lúc 15 giờ 24 phút,
ngày 04.12.2002 (01.11 Nh. ngọ, HB.2).
TRẦN XUÂN AN
(60) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 60.
(61) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 61.
(62) Nhiều tác giả, Từ điển văn học (TĐVH.), tập 2, Nxb. KHXH., 1984, tr. 49: quê quán Nguyễn Bỉnh Khiêm là làng Trung Am, Vĩnh Lại, Hải Dương (nay là Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Theo chúng tôi, không ai khác, chính Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên có ý tưởng chia cắt Đất nước ra làm ba: Cao Bằng thuộc hậu duệ nhà Mạc, Đàng Ngoài thuộc vua Lê chúa Trịnh, Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn. Xin khẳng định như thế, nếu giai thoại về “sấm kí Trạng Trình” là đúng với sự thật đã xảy ra trong cuộc đời Trạng Trình. Hoặc, gạt đi những huyền thoại thêu dệt, thì sấm kí tiên tri Trạng Trình không thể giải thích cách nào khác, nếu không xem đó là nhận thức chính trị có tính dự kiến của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trên cơ sở tình huống hiện thực lịch sử khách quan, và ông cũng phát biểu một cách khách quan, không có ý tưởng khuyến khích việc chia cắt Đất nước, khởi đầu của bi kịch Sông Gianh và hậu quả thảm khốc trong thời Tự Đức…
(63) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 196, 198 – 199.
(64) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 198.
(65) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 208.
(66) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 202.
(67) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 207.
(68) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 208.
(69) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 203.
(70) Nguyễn Bá Thế và Nguyễn Q. Thắng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (TĐNVLSVN.), bản in lần thứ 5, Nxb. Văn Hoá – Thông Tin, 1999, tr. 13, 551 – 552.
(71) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 208 – 209.
(72) ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 186 – 188.
(73) Tự Đức, Tự Đức thánh chế văn tam tập, tái bản với tên sách: Thơ văn Tự Đức (TVTĐ.), tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1996, tr. 372 – 380.
(74) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 221.
(75) Những chữ ghi tên họ in nghiêng có gạch dưới, hoặc in đậm. Phạm Như Xương có tham gia khởi nghĩa Cần Vương (1885) và không được tin dùng dưới ngụy triều Đồng Khánh (ngụy vương đầu tiên của triều Nguyễn, do Pháp dựng lên).
(76) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 213.
(77) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 217.
(78) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 218.
(79) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 214.
(80) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 220.
(81) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 220 – 221.
(82) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 251.
(83) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 222.
(84) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 224.
(85) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 236 – 237.
(86) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 222 – 223.
(87) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 222.
(88) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 226 – 227.
(89) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 224.
(90) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 223 – 224.
(91) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 230 – 231.
(92) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 231.
(93) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 225 – 226.
Soạn xong phần chú thích
vào lúc 19 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2).
TRẦN XUÂN AN
HẾT TỆP 11
(PHÂN ĐOẠN 3 TRUYỆN KÍ THỨ 8)
Xin xem tiếp TỆP 12
(phân đoạn 4 truyện kí thứ 8)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”