PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II B 7)
(PHÂN ĐOẠN 7, TRUYỆN KÍ THỨ 7)
Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm
TRẦN XUÂN AN
CƯỠNG ƯỚC “HỮU NGHỊ”
VÀ CƯỠNG ƯỚC THƯƠNG MẠI,
GIÁP TUẤT 1874
Truyện kí thứ bảy
(phân đoạn 7)
17
Tháng chín nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi bảy, Giáp tuất (1874), thượng thư Bộ Hình, sung Cơ mật viện đại thần, tước hiệu Kì Vĩ bá Nguyễn Văn Tường có dịp để suy nghĩ về bản thân, khi nghe được nhận định của thượng thư Bộ Lễ Lê Bá Thận, lúc vị quan họ Lê này được thăng thự hiệp biện đại học sĩ, lại được sung Cơ mật viện đại thần. Nhận định ấy Lê Bá Thận viết trong bản sớ xin từ, không dám nhận hàm chức mới được phong:
“… Nay lạm dự vào Viện Cơ mật, tâm cơ, thù ứng cho khéo, nghĩ làm nhanh nhẹn tinh tường, thần không bằng Phạm Phú Thứ; học thức sâu rộng, mưu chước tinh thâm, thần không bằng Nguyễn Tư Giản; làm việc, tính kế thường hợp cơ nghi, có tài hoạt bát ứng biến, thần không bằng Nguyễn Văn Tường…” (217) .
Ông xem đó cũng là lúc mình phải soi thấy được mình qua đồng sự. Với nhận định đó, ông tự bảo, không bao giờ nên tự mãn. Và thật ra, mục tiêu cùng phương châm “chiến để hoà, hoà để thủ, và thủ để chiến” , chiến là tiên quyết và hậu quyết, đồng thời, “hoà” với nghĩa là để canh tân Đất nước, ông thấy nào đã làm được gì đâu. Năm nay, ông cũng đã bước vào tuổi năm mươi mốt (51), kể cả một tuổi trong lòng mẹ!
Cũng tháng chín, vua Tự Đức còn ra sắc dụ “ban cấp hai bản hoà ước, thương ước cho các địa phương” (218) , bởi “khi ấy, hai bản ước cùng với người nước Pháp đã bàn định xong, đình thần lo về lòng người ngờ vực, xin ban mệnh lệnh trước” (218) , mặc dù chưa được quốc trưởng Pháp và vua Tự Đức phê chuẩn, làm lễ hỗ giao.
Vua Tự Đức xuống dụ:
“… Từ xưa vẫn không phải cậy hoà để dựng nước, mà [cũng] chưa từng không giảng hoà để cho quân nghỉ ngơi. Tạm thời làm việc [giảng hoà này] phải đều là tính cho dân.
… […] Duy nghĩ: Thường tình người ta, quen ở thói thường, tình thế trong ngoài, không trông thấy rõ, thì ý kiến này khác, hoặc chưa bỏ hết, nên [trẫm] phải không sợ phiền, hiểu bảo cặn kẽ trước khi có việc. Phàm các quan thân, sĩ thứ, quân dân của ta, đều phải đặt lẽ phải ở lòng mình, nên lấy việc nước làm trọng, chớ lấy kế riêng làm đầu, chớ đem bàn ngang khác nhau ở đường ngõ, chớ cho lời răn bảo của triều đình làm tờ giấy suông… […] … Gần đây triều đình Trung Quốc cùng bốn nước ở biển Tây [Anh, Nga, Đức, Mỹ…] giảng hoà, cũng cho đặt khâm sứ, lãnh sự, và các người buôn nước Tây buôn bán ở bờ cửa biển Trung Quốc. Đây đều là việc dĩ nhiên, ai cũng tai nghe mắt thấy, […] cũng không phải một mình nước ta. Phải nên nghĩ kĩ trước sau, trên dưới cùng lòng, để giữ toàn cục. Trẫm có lòng mong” (219) .
Phải chăng vua Tự Đức và triều thần muốn san phẳng lòng hoài nghi, hoài nghi về phía này, phía khác, và san phẳng cả sự khác biệt về chính kiến trước bước ngoặt lịch sử mới của Tổ quốc Đại Nam? Thật lòng, không ai không ngờ vực về “thiện chí” của thực dân Pháp và cố đạo đội lốt tôn giáo! Cuối cùng, trừ bản “hoà” ước không phổ biến rộng, còn thương ước được in sao ra nhiều bản, niêm yết khắp các phủ huyện (219).
Sau đó khoảng một tháng, từ “dữu dân”, “tả đạo”, hoặc “đạo” đều được thay bằng từ “giáo dân”, với nghĩa là dân có giáo hoá. Còn hai từ Pháp đề nghị là “nghĩa dân”, “đức dân”, không được chuẩn. Và từ đó, cũng thay từ “lương dân” thành “bình dân”, với nghĩa là dân có lòng hoà hảo (220). Đó cũng là việc thực thi điều khoản IX của “hoà” ước Giáp tuất 1874.
Công việc triển khai “hoà” ước còn thể hiện trong việc sắp xếp lại nhân sự. Phạm Phú Thứ được điều bổ làm thự tổng đốc Hải [Dương] – [Quảng] Yên, kiêm sung tổng lí thương chính đại thần. Trần Bình: thượng thư Bộ Hộ. Nguyễn Tăng Doãn chính thức lãnh tuần phủ Hải Dương. Trần Hy Tăng thôi giữ chức tuần phủ Trị – Bình, ra Hà Nội làm tuần phủ (Phạm Thận Duật về kinh, đợi bổ chức vụ khác). Nguyễn Thành Ý: khâm phái kiêm lãnh sự ở Gia Định. Phó lãnh sự tại Gia Định là Phan Kiêm Ích (221).
Bấy giờ, sứ bộ sang Trung Hoa do Phan Sĩ Thục làm chánh sứ trở về nước, lại bị bọn thổ phỉ, giặc Cờ vàng làm nghẽn đường (222)!
Cũng vào thượng tuần tháng mười này, chánh sứ Nguyễn Văn Tường lại phải cùng các tuỳ tùng xuống tàu thuỷ hơi nước vào lại Gia Định. Chả là tên thống đốc Krantz cứ nằng nặc yêu sách vua Tự Đức và triều thần chấp nhận sửa đổi một phần của điều khoản thứ 02 trong thương ước cứ ngỡ là đã hoàn tất từ hạ tuần tháng bảy nguyệt lịch trước! Một lần nữa, nhà vua và các đại thần cố nhẫn nại (223)!
Ông cùng các tuỳ tùng liền trở về kinh đô Huế sau khi kí xong.
Thượng thư Bộ Hình, sung Cơ mật viện đại thần, tước hiệu Kì Vĩ bá Nguyễn Văn Tường từ đây mới thực trở thành rường cột thường trực ngay tại triều đình Đại Nam. Hạ tuần tháng mười nguyệt lịch, ông còn được vua Tự Đức cử làm công việc của một đại thần quản lí sự vụ Nha Thương bạc với thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tư Giản. Ông thật lòng muốn từ chối, bởi phải đảm đương việc ngoại giao, ngoại thương ấy trong thời đoạn “chịu khuất” , với “sách lược thoả hiệp tạm thời” chỉ chuốc thêm những nỗi đau lòng và phẫn uất. Nhưng rồi vẫn không thể khước từ được, nên phải đành khiêm tốn viết sớ nhận chức, bởi không thể nhận chức một cách miễn cưỡng!
“Cho Nguyễn Tư Giản kiêm sung Nha Thương bạc, [Nguyễn Tư] Giản dâng sớ xin từ. Vua bảo rằng: “Chức Thương bạc của nước ta chỉ là hàm hư, để tiện làm giấy tờ giao thiệp mà thôi, không phải ví như Nha môn Tổng lí ở nước Thanh. Phàm việc đã cùng với Viện [Cơ mật] bàn làm; chỉ thảo giấy tờ, lại có Viện [Cơ mật] bàn để sửa chữa; xét ra không có việc gì khó lắm, tưởng ngươi cũng có thể làm được. Duy có trong khi bàn bạc, tưởng cũng để cho ngươi tập mà biết, cho có nhiều nhân tài, không chỉ một người giữ mãi. Ngươi không thể tất ý ấy chăng? Nhưng lúc này thường xem ngươi về khoa ngôn ngữ hình như chưa được giỏi. Nay đương được chức ấy, chỉ Nguyễn Văn Tường; [Nguyễn Văn Tường] làm việc ấy trước sau vốn đã am hiểu thông thạo, đã không lãnh chức Thương chính cũng lãnh chức Thương bạc, để việc giao thiệp với nước ngoài được phát triển mưu mô, nói hết lời, xem hiệu quả, cho xứng ý trẫm; [trẫm] bắt phải làm cho xong. Nguyễn Văn Tường, ngươi phải kiêm sung chức ấy. Nguyễn Tư Giản, ngươi cũng không được giữ ý kiến, và không bắt chước người [chỉ] giỏi hư văn mà ít thực dụng, mới là không hổ thẹn”” (224) .
Vua Tự Đức đã phải quở trách cả hai đại thần gần như quở mắng!
18
CHÂU BẢN (225)
“Người Tây xảo trá trăm mối, việc nghe đoán càng phải thận trọng” (Bản tấu ngày sáu [06] tháng hai [02] năm Tự Đức thứ hai mươi mốt, Mậu thìn [1868]).
“Người Phú kia đã chiến thắng ta, việc đánh giữ khổ biết bao, mà vẫn đòi ta cùng thề, [là] bởi vì nó từ trùng dương mà tới, chễm chệ ở đất ta, bên trong thì sĩ dân ta chống lại, bên ngoài thì các nước vây quanh dòm ngó, ăn ngủ sao yên, cho nên ắt phải đòi ta kí hoà ước, để khiến cho ta phải chịu đè nén, lấp đường công luận của các nước, mà cô lập tình trông mong của sĩ dân ta, tiện cho nó từ từ xử trí. Điều đó là sự khu xử giảo hoạt của nó. Nếu không thế, sao năm trước hoà ước phân minh, mà nay phó hoàn toàn cho hư văn, lại còn đòi sửa lại!” (Bản tấu tháng ba [03], năm Tự Đức thứ hai mươi mốt [21], Mậu thìn [1868]).
“Đánh thì việc đã qua, không dám nói lại. Hoà như nay thì có gì để trông cậy?…
Vả, không lo bọn giặc ngang ngược, chỉ lo ta không thể tự cường, không lo bọn giặc tham tàn, chỉ lo ta không thể tự giữ…
Kinh sư là đất căn bản, đồn luỹ đã vững chăng? Khí giới đã tinh chăng? Chí quân lòng dân đã được khích lệ chăng? Đường bộ, đường thủy, phòng bị đã vững khắp chăng? Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh đạo khác cũng có hải phận, quân lương binh lính làm thế nào cho tinh và đủ? Hào mục, sĩ dân làm thế nào cho chuyên luyện? Nơi nào hiểm yếu cần phải giữ? Phép phòng thủ nào tất vững? Hoặc đặt riêng chuyên viên để uỷ thác công việc, hoặc chọn cử thổ hào các nơi để cho quen thuộc. Phàm những điều ấy tưởng cũng nên xét kĩ, trù liệu chín chắn và sớm thi hành để khỏi trở ngại về sau” (Vua Tự Đức châu phê: “Điều trần này thảy đều thiết thực”) . (Bản tấu tháng ba [03], năm Tự Đức thứ hai mươi mốt [21], Mậu thìn [1868]).
“Chức tước của khanh là do ân mệnh, là bởi nghĩ đến ngày xưa siêng năng, lao nhọc, được ơn tri ngộ, chứ không phải tầm thường. Như ta từ khi lên ngôi đến nay, đối với khanh, chưa có mảy may gì ân huệ, [nhưng cũng] đã từng lấy lễ nghĩa tình cảm đối đãi (tình lễ tương đãi). Mỗi khi có hỏi han gì, khanh từng cảm kích, ứa nước mắt, ta cho là ý khí cùng hợp nhau” (Châu phê trên bản tấu đề ngày mùng một [01] tháng bảy [07] năm Tự Đức hai mươi mốt [21], Quý dậu [1868], về tình hình lương, dữu).
“Phận tuy nhỏ nhưng được ân tri ngộ như thần cũng hiếm. Thần mỗi khi tự nghĩ đều thấy mình vô tài, mà sứ mệnh lại hỏng, sợ khó mà báo đáp cho xứng với trọng trách. Cho nên từ lúc giúp việc binh tào [một bộ phận của Bộ Binh: biện lí] cho đến lúc lạm dự kinh doãn, nhiều phen muốn trần tình, xin giữ vụng để may mà khỏi phụ ơn ban. Rồi lần lượt được hoàng thượng thức tỉnh, cân nhắc cho. Sấm sét hay mưa móc thảy đều ngụ ý sinh thành. Thần như thế chỉ biết cúi đầu tỏ bày sự ngu muội, mong càng thấu cho sự cảm kích, nỗ lực. Tuy phong trần đã trải, nhưng còn được thân này, danh và thực đều nhờ hoàng thượng gầy dựng vậy. Nay đi Tây, đã vâng lời giản uỷ, lại vâng hỏi đến nhiều điều trọng sự. Thần là thế nào mà được quyến cố tin tưởng, dù lạm dự chứ chẳng là phận sẵn, thì biết báo đáp thế nào cho xứng đáng. Thần xin dám quyết tâm, xin mạo muội tâu bày” (Bản tấu đề ngày mùng bảy [07] tháng sáu [06] nhuận, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
“Lại như Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình làm như thế nào mà đều không công hiệu. Đoàn Thọ trị chức cũng không phải nhỏ, cớ sao chẳng có khả năng? Trẫm thường than thở: Biết dùng người thậm khó” (Châu phê trên bản tấu ngày mùng bảy [07] tháng sáu [06] nhuận, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
“Nhờ đại tạo tác thành may được dự hàng cống sĩ (năm Tự Đức thứ ba [1850], đội ơn chuẩn cho thi lại, trúng được cử nhân)” (Nam Kì tấu nghị, bản tấu số mười lăm [15], không đề ngày tháng năm [?]).
“Ông vạch ra khuyết điểm trong việc tuyển bổ quan lại”:
- “Tuyển bổ không hợp với kiến thức, tài năng, “lấy quan thái y mà cử làm phủ huyện, kẻ lại điển mà cất làm học quan”” (Bắc Kì tấu nghị, bản tấu ngày hai mươi [20] tháng sáu [06] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
- “Tuyển bổ mà chỉ dựa vào bằng cấp thì cũng không đáng tin cậy. Chỗ nào cho kẻ thư sinh tay trắng mà có học thức, khả năng?”.
- “Tuyển bổ bằng cách điền khuyết: nhiều người chờ đợi được bổ vào một chức vụ (khi có người về hưu, hay thuyên chuyển đi nơi khác…). Cách này dễ khiến cho người ta hối lộ để được ưu tiên, khiến “kẻ được bổ không cần đợi, người đợi thì không bổ”” (226) .
“Vả mạng của ngươi cũng oái oăm, mới vào thi thì đã khổ, bể hoạn cũng chìm nổi, đáng thương thay!… Lại như ngươi lúc thiếu niên, có chuyện bất bình, do kêu được thì sáng tỏ, rồi sau thì thôi” (Châu phê trên bản tấu ngày hai mươi [20] tháng sáu [06] nhuận, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu [1873]).
“Trộm nghĩ: thần khí cục hèn mọn, nhà cỏ hoang sơ, buổi đầu vì tội trừ tên, kế đến mang ơn dự thí, gió mây gặp hội, gỗ vông đã nấu mà có tiếng vang” (Nam Kì tấu nghị, bản tấu số mười sáu [16], không đề ngày tháng năm [?]).
“Trộm xét các nước Tây thường chuộng công lợi lại tham lam, giảo quyệt, mà nước Phú [Pháp] và nước Anh là nhất. Các nước Đông phương ta gặp lúc này khó tiến. Đại Thanh, Nhật Bản, Cao Ly, Xiêm La, Cao Miên, Miến Điện đều bị họ lộng hành. Ta cũng bị như thế… Hiện nay Gia Định thuế phiền, sưu nặng, dân không đường sống, thì việc nổi dậy cũng chưa biết ngày nào… Lục tỉnh [Nam Kì] là đất phì nhiêu đã rơi vào họng đói của nó, tự không phải là thế bị bức bách [đến mức vô phương cứu vãn], mà chính là lực không đủ để nó nhả ra (Nam Kì tấu nghị, bản tấu ngày mười [10] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
Bọn Pháp là “cọp đói, ưng đói chẳng chịu bỏ miếng mồi ngon” (Nam Kì tấu nghị, bản tấu ngày mười [10] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
“Bọn Tây dương tính tham, chấp theo điều lợi. Ấy là tìm được rồi lại sợ mất đi. Thật là khó lấy nghĩa lí, trí thuật làm lay chuyển nó nghe theo” (Bản tấu ngày mười [10] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
“Ôi đất đai khai thác gian nan mà một sớm nhượng cho người. Hoàng thượng nhức nhối trong lòng đã lâu, mà tôi con cũng không dám lộ ra ngoài miệng” (Bản tấu ngày mười [10] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
“Thần trộm nghĩ rằng có người mới có đất, mà thu phục nhân tâm thì chính trị tốt không bằng giáo hóa tốt. Các hạt trong Nam vốn có dựng văn miếu, có thầy dạy, có trường thi, nhưng từ khi hữu sự đến nay bỏ phế đã lâu vậy…
Xin được ưng thuận cho đem lí lẽ tranh biện với nó, đòi hỏi cho ta được trùng tu văn miếu để tiện phụng thờ, cắt đặït giáo chức để rèn luyện học trò và mở trường thi để thu nhiều kẻ học. Dân giáo nếu xin nhập học, ứng thí cũng cho.
Như thế thì cõi bờ dù có mất mát chìm đắm, chính lệnh tuy chưa tới được, nhưng giáo hoá vẫn còn có thể thi hành, lấy đó mà vun trồng đạo lí, kích thích sĩ phu. Chúng nó mới đến, dùng chính sách hà khắc, ta lấy thiện giáo dạy dỗ dân. Tuy mất đất đai nhưng có được lòng người, thì cũng có thể dùng về sau. Vả lại, bên ngoài ta lấy vẻ mặt tươi cười chờ đợi, bên trong lại nghiêm chỉnh tự trị, binh khí, thuyền súng có nhân viên đảm trách, người người tự nỗ lực, tự mưu tính để chờ cơ hội, thì cái hiệu nghiệm lúc xế chiều không phải là muộn vậy” (Bản tấu ngày mười [10] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
“Cốt yếu ở chỗ ta phải có thế không thể xâm phạm, sau đó mới lấy lẽ không thể dung tha được để trách người” (Bản tấu ngày mười [10] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873]).
“Việc lương – đạo thù nhau, thần đã từng lấy làm lo. Đã cho đạo binh kinh lược [của Nguyễn Chính (Chánh)] đi nhanh để trấn áp và [thông] tư cho các tỉnh bắt giữ, phủ dụ, khiến cho cùng yên… Thần trộm xét sự thế Bắc Kì dần dần sẽ xong, chỉ có việc lương – đạo không yên làm cho các việc nhân đó mà đổi khác” (Châu bản, tấu, ngày mùng năm [05] tháng chạp [12] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu, [1973, đầu năm 1874]).
“Nay mai việc lương – đạo ở các tỉnh khá yên, chỉ còn lại vài tên côn đồ thì đã có đạo binh của quan kinh lược [Nguyễn Chính] tuỳ cơ tiễu trừ, phủ dụ, ít lâu sẽ xong. Duy thần trộm nghĩ, muốn việc về sau tốt đẹp thì nên xem chuyện lương – đạo là rất quan trọng. Kẻ gánh vác phải có nhiều cách thể hiểu dụ, dạy bảo khiến cho người ta trông cậy ở mình mà không sợ hãi, tin mình mà không nghi, mới có thể cùng quay về điều tốt đẹp” (Châu bản, tấu, ngày mùng năm [05] tháng chạp [12] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [đầu năm 1874]).
“Riêng các tỉnh Nam Kì, khai thác gian nan mà nay một sớm nhượng cho người. Kính nghĩ: trong lòng Hoàng thượng có điều u uẩn, phận tôi con phải lập công báo đáp” (Bản tấu ngày mùng sáu [06] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“Mảnh đất cô huyện ấy kẹp giữa Phú và Miên, ngửa đông nghiêng tây, sức nào giữ vững, hao tốn chẳng xong, cuối cùng sẽ rơi vào kế xảo trá của nó. Nếu không thế thì đất Cửu Long hoang rậm xa xôi, nó còn muốn chiếm hết để mở mang, huống chi ba tỉnh cận kề bụng nó, há dung cho khỏi cắt lìa? Đó cũng là tình ý của giặc mọi rợ [:Pháp] không thể không xét” (Nam Kì tấu nghị, bản tấu ngày mùng sáu [06] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“Thế thì toàn cõi trong Nam, muốn thu hồi hết cũng thậm khó mà chỉ một nửa cũng không dễ” (Bản tấu ngày mùng sáu [06] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“Khanh đã biết rõ cái gì đáng lo, cái gì chưa, thì từ rày về sau phàm sự gì nghe được khanh cứ giãi bày dâng lên. Điều gì đã biết thì không gì không nói hết, như họ Lý [Lý Hồng Chương], họ Tăng [Tăng Kỷ Trạch] của nước Thanh vậy. Trẫm vốn muốn nghe, không câu nệ là [việc] ở trong hay ở ngoài, đều nghe sự giãi tỏ đầu đuôi, đến khi nào tạm thấy hiệu nghiệm, thì đúng là: khanh trên không phụ thái tổ, giữa không phụ trẫm, dưới không phụ thiên hạ. Có được bầy tôi như thế, muôn đời đều khen. Nếu nói trau chuốt suông, hoặc có mảy may ẩn giấu, không chịu hết sức, gặp việc gì lui rồi nói sau, hoặc đã lâu ngày mà chẳng thấy chút hiệu nghiệm, thì đó là khanh đem tất cả điều khinh khi để tự khinh mình vậy, quyết không thể dung được trên đời!” (Châu phê trên bản tấu ngày mùng sáu [06] tháng tám [08] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“Kính, từ khi hoàng thượng nối tiếp cơ đồ lớn lao, vỗ yên vận sáng, tuy trì doanh bảo thái [giữ sự thịnh vượng, tốt lành – chú thích của dịch giả, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh], chưa từng không lấy sự gắng gỏi làm nỗi lo toan. Nhưng quá nửa ngày thì trời xế, ngược với sáng là tối, [vốn] là lẽ tuần hoàn xưa nay thay đổi. Cho nên, trong thì biến loạn anh em [Hồng Bảo, Ưng Đạo], ngoài thì cái hoạ mọi rợ [Pháp, Tây Ban Nha], Nam Kì đất cũ thì trầm luân, Bắc Kì thì giặc cướp liền năm” (Bản tấu ngày hai mươi bảy [27] tháng mười [10] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“Nay đương chức trong ngoài, tham nhũng, hèn yếu không phải là không có, nhưng kẻ có tài lo liệu cũng chưa từng thiếu. Kẻ gặp việc lo thì tránh khéo, ở chức công mà chỉ lo vui với việc riêng, đã được trích ra trừng trị, răn dạy để sửa chữa thì cũng ít vậy. Thậm chí có kẻ theo việc mà đòi ăn hối lộ, khác nào chợ búa, càng không biết liêm sỉ là gì nữa. Than ôi, nhân tâm một phen sao đến thế! Hay là đường sĩ hoạn chưa được sạch trong? Không biết lấy gì để làm cho chính sự ham chuộng [lẽ sạch trong] như thế ư?” (Bản tấu ngày hai mươi bảy [27] tháng mười [10] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“[Theo sứ mệnh được hoàng thượng giao phó], thần thường tiếp người nước Thanh, nước Tây. Họ đâu phải tất cả đều siêu việt! Chỉ vì họ lấy cái thực mà làm, còn ta thì lấy cái hư để đối phó. Lấy cái thực để đối với cái hư, thì mạnh, yếu đã phân rõ. Sau này việc giao thiệp càng phiền toái, trách nhiệm về bờ cõi càng nặng. Thế cho nên đảm đương công tác rất gấp mà chưa lấy việc sửa đổi bên trong làm đầu… thì cũng không đâu vào đâu vậy” (Bản tấu ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ hai mươi bảy, Giáp tuất [1874]).
“Kính mong hoàng thượng chọn người chân chính sung lo việc thuyên tuyển, khiến cho nắm lấy công bằng, tiến lui tất có ý […]. Mong hoàng thượng vững quyền truất giáng để khích lệ người tài năng, để người người đều tận lực trong công việc. Nội trị được sửa đổi thì ngoại trị khá hưng, mới có thể thư nỗi lo đêm ngày” (Bản tấu ngày hai mươi bảy [27] tháng mười [10] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“Đến như thần đã không có tài khác, đường làm quan trắc trở, đã nhiều lần lạm dự vào ơn mưa móc không phải phận mình [cách nói khiêm tốn thời phong kiến], mới có được ngày nay. Kính được sai làm sứ, thần nào dám tiếc tâm sức. Duy được thờ hoàng thượng trải hơn hai mươi năm nay, ở bên ngoài thì nhiều, chưa am hiểu chính thể. Nếu như ban ơn chỉ dụ cho ở tại kinh, hầu hạ bên cạnh, được nghe lời răn dạy, để cho thần mở óc ngu tối mà giảm bớt lỗi lầm, đợi đến kì sai phái lui tới với Tây, tuỳ cơ thương thuyết để tiện lo cứu vãn, hoặc có thể đền đáp trọng trách muôn một. Ấy là nguyện vọng của thần vậy” (Bản tấu ngày hai mươi bảy [27] tháng mười [10] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
“Riêng thần là một kẻ hàn nho, được quyến cố, xin khắc lòng báo bổ… Nếu gặp lúc quan hệ, thần muôn vàn không dám làm kẻ bên lề ngồi xem thành bại, chỉ khư khư một tấm lòng đau khổ” (Nam Kì tấu nghị, bản tấu ngày mùng một [01] tháng mười một [11] năm Tự Đức thứ hai mươi bảy [27], Giáp tuất [1874]).
THƠ (227)
Họa chính sứ Lê: “Tự Đông Gia
khởi hành tựu Thuận tấn hỏa thuyền”
nguyên vận
Kỉ niên sóc tái kiên nhung kì
Thử nhật Tây phù tá hỏa trì
Hoàng tuất tiền đồ kha khảm lịch
Chi thương vãng sự hải tang di
Lỗ tình tự thị đa tư sính
Triều sĩ hà thường thiểu kiến nguy
Độc quý phi tài thao trọng tuyển
Sinh bình đồ tụng bách thiên thi.
“Từ Đông Gia
bắt đầu đi đến thuyền hơi nước
ở cửa Thuận”
Họa thơ chánh sứ Lê Tuấn (Lê Toán)
Bao năm đầu ải, vững cờ soi
Nay vượt biển Tây, xe sứ ngồi
Xa liệu, cứu dân, đường sóng gió
Kính thương, biến nỗi, việc thung đồi
Giặc khoe, cứ mãi khua nương thế
Quan ngó, sao thưa thấy hiểm thời?
Cúi thẹn không tài, vua quý chọn
Sống thường tay trắng, đọc thơ thôi!
Họa chính sứ Lê: "Đăng yết Thiên Y
tháp tại Bình Thuận (228) tỉnh, Cù
Huân tấn", nguyên vận
Quần phong tranh hạ nhất loan hoành
Địa mạn sơn cao thủy diệc thanh
Thác tục đương niên truyền Liễu Hạnh
Siêu tình hà xứ tiếp kì sinh?
Thê nham linh tích tồn chiêm vọng
Phù hải kì duyên tá phẩm bình
Nam thổ thiên thu hoàn cố quốc
Quy cương ưng tướng thử Tây hành.
"Lên thăm tháp Thiên Y
tại cửa hải phòng Cù Huân,
tỉnh Bình Thuận"
Họa thơ chánh sứ Lê Tuấn
Cụm đồi tranh xuống đầm ngang sâu
Biếc núi đất xuôi nước ánh màu
Mượn tục, xa thời truyền Liễu trước
Vượt phàm, nào chốn nối đời sau?
Dấu linh hang lạnh trông vời đó
Duyên lạ biển cồn (bồng) khen trách đâu
Nghìn thuở đất Nam về nước Việt
Ứng giùm, thu cõi, chuyến đi Âu!
Thuyền cận Cần Giờ
nghịch phong bất tiến
Phan Thiết kê minh nhất dạ đàm
Bà sơn bạc mộ bán vi lam
Hải quang tinh tán ba triều bắc
Oa phị (phí) yên phi hỏa chuyển nam
Lãnh thượng chiêu đăng tiêu tức cận
Thuyền đầu khuy kính lộ trình am
Thừa phong vạn lí hoàn dung dị
Chỉ xích trì hồi dã khởi cam.
Thuyền gần đến Cần Giờ,
gặp gió ngược, không đi tới được
Phan Thiết, một đêm gà rộn đầm
Núi Bà chiều nhạt nửa sương thâm
Biển ngời sao tản, khơi chầu bắc
Nồi bỏng khói bay, lửa chuyển nam
Đèn vẫy đỉnh non: tin báo tới
Liếc gương đầu lái: dặm ngàn băng
Vạn trùng theo gió lui thường dễ
Gang tấc chậm, quành, không lẽ cam!
Tặng Dương quan
(Gia Định tỉnh nhân)
vãng Hương Cảng
Lục thất niên dư hựu nhất lai
Ngã lai quân khứ lưỡng bồi hồi
Khứ lai dị lộ quân tu kí
Mạc sử lâm kì hữu sở xai [:sai]!
Tặng quan làm ở cửa biển cho Tây,
người tỉnh Gia Định, đi Hương Cảng
Sáu, bảy năm hơn, đến một lần
Anh đi, tôi đến, đều tần ngần
Đến, đi, khác đường, anh nên nhớ
Đừng để đang khi, tình phải cân!
Trú Gia Định
quan Tây viên hữu cảm
Khách xá công dư hướng vãn thiên
Xa hoành khúc kính quá đông biên
Sổ lan mao giới giai tân vật
Bán bức hoa cầm dị vãng niên
Đối cảnh kham bi thùy tác chủ
Phùng nhân nan đạo thử lai duyên
Như hà tạo hóa do đa sự
Không sử lê viên nhuận nhất biên.
Ở Gia Định, xem vườn thú Tây lập,
cảm xúc
Nhà khách, trời chiều, việc sứ thưa
Bờ đông, cong lối, ngựa xe đưa
Nhiều chuồng lông la là loài mới
Nửa khoảnh chim hoa khác vẻ xưa!
Đối cảnh buồn ai: trò chủ cướp!
Gặp người bảo chúng: nghiệp riêng mua?
Cớ sao trời đất còn nhiều chuyện
Khiến nỗi vườn hề phải chép thừa
Quá Kim Chương tự
Tằng hướng trường sinh thuyết tức ki [:cơ]
Bách niên thế sự bất thăng bi
Các trung đế tử kim hà tại?
Thành quách nhân dân bán dĩ phi!
Đi ngang qua chùa Kim Chương
Theo thuật trường sinh bàn thở sâu
Trăm năm khôn xiết việc đời sầu!
“Con vua trong gác nay đâu nhỉ?”
Thành quách, nhân dân, một nửa đâu!
Đề Bình Tây tướng quân
Lê quận công mộ
(mỗi cú hữu sổ mục tự)
Nam tử đương vi nhất thế hùng
Bán thiên ứng vận kỉ như công!
Lưỡng kì sử tải khôi cương tích
Bách chiến nhân suy [:thôi] hỗ giá công
Tam xích hiệp [:luân] phong tồn cố liệp
Cửu nguyên cô phẫn khởi lương cung
Vị khôi thất thập niên tiền sự
Tụng biến bình Tây lục tỉnh trung.
Nêu lên những suy nghĩ
trước ngôi mộ Bình Tây tướng quân
được phong tước quận công
Lê Văn Duyệt
Gánh việc, thân trai một kiếp hùng
Nửa ngàn đáp vận ai như ông?
Hai miền sử chuyển: cầm cương búa
Trăm trận người tôn: phò chúa công
“Ba thước” lặng phong còn tích cũ
“Chín miền” riêng hận dậy cung đồng
Chưa tàn, chuyện bảy mươi năm trước!
Ca khắp: Bình Tây, đất Cửu Long.
Tại Gia Định đắc báo tham biện
Nguyễn chi tử thu tiệp
Khách trung xa mã yếm phi trần
Hồi ức thu vi tập tấn thân
Phan quế thử lang nghi đắc thủ
Thừa sà ngô bối vị tri tân
Gia nghiêm trách trọng thần vi phụ
Quốc khánh thù nan tử hữu quân
Vân thủy hà thời quy cựu phố
Nhất môn vũ trạch cánh thiêm tân.
Ở Gia Định
được tin con trai tham biện
Nguyễn Tăng Doãn thi hương đỗ
Quê xa người ngựa, chán phong trần
Nhớ buổi thi hương tập tấn thân
Vin quế chàng này càng rõ vững
Cỡi bè đây lão chẳng hay gần
Tôi, quan, làm bố, nghiêm bồ chữ
Vua, nước, tuyển con, nặng gánh ân
Mây sóng khi nào về bến cũ
Hai ơn một cửa lại tươi ngần.
Tại Gia Định,
được tin báo con trai tham biện
Nguyễn Tăng Doãn thi đỗ
kì thi mùa thu
Xa quê, chán bụi, ngựa người đua
Nhớ thuở thi hương tiến bước xưa
Vin quế, chàng này càng xứng nắm
Cỡi bè, đây bọn chửa hay bờ!
Nếp nghiêm, nho gánh, thần làm bố
Đàn phúc, sĩ xây, con có vua
Mây nước khi nào về bến cũ
Một nhà nết đất sáng ơn mưa.
Hết tệp 7 truyện kí thứ 7
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 7 vào lúc 11 giờ kém 05,
ngày 09.11.2002
(05.10 Nh. ngọ, HB.2).
TRẦN XUÂN AN
(217) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 112 – 113.
(218) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 113.
(219) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 113 – 114.
(220) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 122 – 123.
(221) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 123 – 124, 125.
(222) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 115 – 116.
(223) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 103 – 104. Xin xem lại theo chú thích (203).
(224) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 126 – 127. “Thực dụng” (có tính thực tế) có nghĩa đối lập với “hư văn” (suông rỗng, viển vông), không phải “thực dụng chủ nghĩa” với nghĩa “tục dụng”. Kẻ “thực dụng chủ nghĩa” hoặc kẻ “tục dụng” chỉ chú trọng lợi ích vật chất, bất chấp đạo lí và các giá trị nhân văn khác.
(225) Châu bản Nguyễn Văn Tường (những bản tấu, sớ… của Nguyễn Văn Tường, có châu điểm, châu phê của vua Tự Đức); dẫn theo: Trần Viết Ngạc. Xin xem 2 chú thích (58) và (150).
(226) Dẫn theo lời dẫn gián tiếp và trực tiếp của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, gồm cả các câu in theo kiểu chữ đứng, được đặt trong dấu ngoặc kép, ở đoạn này.
(227) Kì Vĩ quận công thi tập, tư liệu Hội nghị Khoa học lịch sử với đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường", ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996. Xin xem chú thích (211): KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT., sđd., bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản); các bài thơ đã trích ở trên, từ bài số 47 đến 51, bản dịch nghĩa của Nguyễn Tôn Nhan và bản dịch thơ của Trần Xuân An, tr. 293 – 313. Người dịch thơ hoàn toàn tuân theo niêm luật thơ Đường. Ở các bản dịch thơ vào năm 2000 trong bản thảo cuốn sách đã dẫn, tôi có phần linh hoạt về niêm (như thơ hiện đại), để đỡ đơn điệu, nhưng cũng không để rơi vào khổ độc (trúc trắc khó đọc). Nay, tôi đã sủa chữa lại các bản dịch thơ năm 2000 ấy.
(228) Cù Huân (là một hải phòng tấn: cửa biển phòng thủ) thuộc Khánh Hoà, chứ không phải thuộc Bình Thuận. Hẳn có sự nhầm lẫn về địa danh ở đầu đề này.
Soạn xong phần chú thích
lúc 09 giờ 25 phút, ngày 14.11.2002
(10.10 Nh. ngọ, HB.2).
TRẦN XUÂN AN
HẾT TỆP 7
(PHÂN ĐOẠN 7 TRUYỆN KÍ THỨ 7)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”
Xin xem tiếp TỆP 8
(phân đoạn 8 truyện kí thứ 7)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”
0 Comments:
Post a Comment
<< Home