TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II B)

Friday, December 16, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II B 10)

Tệp 10 - Tập II Blog B
(PHÂN ĐOẠN 2, TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO
VÀ NGOẠI THƯƠNG


Truyện kí thứ tám
(phân đoạn 2)

4

Thơ BÁ TƯỚC KÌ VĨ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Nguyên đán tảo cứ Quảng Yên tuần phủ Hồ Trọng Liễn mã đệ triệp tự quan binh đạp bình Phù Long phỉ sào, nhân chí kì sự

1. Ngã hoàng phủ thử chước khoan nghiêm
Thiên đạo âm dương hỗ hiển tiềm
Hàn uy phủ khước đông tiền lạp
Xuân dương dĩ phổ đồng nhân chiêm

5. Lí đoan vạn tượng chính tân sảng
Si mị tận tiêu thiên nhật lãng
Đình liệt bái khánh sâm y quan
Thúc văn tiệp tấu bình tặc đảng

Tu lai mã đệ Quảng Yên đồng
10. Hỉ kiến biên thần tự chiến công
Ngưỡng duy miếu đường thụ thành toán
Kháp trị thái vận phương hưởng thông

Ngã quốc hải đông dữ Thanh tiếp
Nhất đới cát đồ liên u chung
15. Thanh lại kế cùng lân vi hác
Trì ngư vô đoan tao bỉ hung

Thanh tướng lưỡng lâm vô thốn hiệu
Đạn nan chung thị di khấu sao
Kình nguyệt thố quật một gian xuất
20. Niên lai biên manh khổ náo sao

Thuấn đức đản phu giác giã mê
Tự tây tự đông ngật (cật) thanh giáo
Tranh nại động đình chướng kí thâm
Nan cách nhĩ tâm dịch nhĩ mạo

25. Chu sư ninh hoãn tiêm cừ khôi
Phù Long nhất cổ thiên hiểm thôi
Tướng biền dụng mệnh vô kiên địch
Thanh linh hách trạc võ công khôi

Kỉ công hựu thích hành khánh điển
30. Phàm bách nhung thần thị chi miễn
Thùy vị ba đào bất khả khai
Vạn lí trùng dương tương tận quyển

Vãng phục hóa cơ thuấn tức chuyển
Tương cơ yếu tại lượng thâm thiển
35. Tự cương duy thánh thể càn nguyên
36. Ngu thần thiết nguyện sách nô khiển
(trại).


Tự Đức nhị thập bát niên,
chính nguyệt, nhị thập nhật,
thần Nguyễn, phụng ứng chế.

Sáng sớm đầu năm,
theo tuần phủ Quảng Yên Hồ Trọng Liễn (Đĩnh) qua các tập tấu sớ đệ trình bằng ngựa về việc quân binh dẹp yên ổ phỉ tại Phù Long, nhân đó ghi chép lại việc ấy

1. Vua vỗ yên giặc, khoan và nghiêm
Đạo trời âm dương, kín và rõ
Trước chạp, oai lạnh đã xua đông
Ánh xuân vốn rộng, dân ngẩng trông

5. Sửa trị vạn điều, đúng, mới, sáng
Ma quỷ hết sạch, ánh trời tươi
Lệ triều lạy mừng, nghiêm áo mão
Chợt nghe tin thắng, giặc vỡ rồi!

Bỗng ngựa dâng ống, tấu Quảng Yên
10. Vui thấy chiến công quân vùng biên
Ngẩng suy, Triều đình trao kế dẹp
Vừa gặp vận tốt, vinh nối liền

Nước ta biển đông kề biển bạn
Chung ngọn cỏ bùn tiếng chuông chung
15. Thanh cạn, láng giềng thành hang hốc
Cá ao vô cớ gặp ác ngông!

Tướng Thanh hai lần không chút thắng
Ngại khó, rốt cùng sót giặc cắn
Hang kình lỗ thỏ cướp phục hầm
20. Năm trước, dân ải qua, gào đắng!

Đức Thuấn lắm lừa?! Mê là tỉnh!
Vắng tiếng dạy khuyên, đông sang tây
Sao tranh sân, rào? Đành khắc đậm!
Khó đổi dạ mày, khuôn mặt mày!

25. Quân ta hoãn diệt đầu mục sao?
Tiếng trống Phù Long muôn hiểm: Nhào!
Tướng võ tuân lệnh, hết giặc mãnh
Oai giọng, rửa hờn, lừng công cao

Ghi công đúng dịp mừng khánh lễ
30. Trăm quan được rõ, thêm mạnh kế
Ai bảo sóng to không thể êm?
Bể vạn dặm cuốn cùng sạch bể!

Qua – lại, máy huyền, chuyển chớp mắt
Thế cơ, lẽ trọng ở nông sâu
35. Nghĩ trong giới hạn: Càn – thánh thể
36. Tôi mong quất tôi, ngựa đua lâu.


Ngày 12 tháng giêng năm Tự Đức thứ 28 (1875),
thần: Nguyễn, kính cẩn đáp lại bài thơ của nhà vua (34).

Hạnh Thúy Vân sơn

1. Thúy Vân hà xứ thị
Đột ngột quần phong tiền
Quần phong nhất tề hạ
Độ thủy độc hoành phiên
5. Hành cung bàng kì trắc
Linh tích trĩ kì điên
Đôi nhiên ngọa thạch lão
Sâm nhiên cổ (a) mộc tiên
Lục âm vô hạ thử
10. Thúy sắc hữu xuân yên
Điểu ngữ thần chung minh
Tịch dương mê (mi) lộc miên
Hoàn liệt mạc phỉ sơn
Thúy Vân hà kì nhiên
15. Thẩn hữu thần thao chu
Nhất hoằng thanh thả nghiên
Thừa hứng phục đăng lâu
Nhất đới lạc bình điền
Mỹ tai danh thắng địa!
20. Thần du lịch hữu niên
Ngự kiều liễn lộ xứ
Cửu dĩ tĩnh trần quyên
Phùng kim hạ ngũ nguyệt
Tích (b) dư nguyệt phục viên
25. Thiên tử mệnh duyệt vũ
Chu sư hàm tỉ kiên
Triêu phát Hương Giang tân
Tiền hậu như thiền liên
Vãn khai Thuận Trực áp (sạp)
30. Thiều thiều vân thủy thiên
Vạn trạo phù trung lưu
Quân khí mộ ích kiên
Chu khinh phong tự sinh
Phong vi thủy tự liên
35. Thúy Vân tiệm giác cận
Ngật lập như trữ diên
Đăng hoa thủy tạ mãn
Nhiêu (nghiêu) tử nghỉ lâu thuyền
Tiên trượng quang như họa
40. Bồng đảo bất tiêu thiền.


(a) Phụng châu điểm.
(b) Phụng châu điểm.

Nhà vua đi thăm núi Thúy Vân

1. Nơi đâu là Thúy Vân
Riêng vút giữa dãy trước
Dãy núi, thấp một lần
Vượt nước, một núi văn
5. Cạnh hành cung, chênh chếch
Dấu đỉnh lẻ, linh san!
Đá xưa chồng, nằm vững
Cây cổ (a) rậm đẹp ngàn
Bóng xanh không nắng hạ
10. Sắc biếc ngút khói xuân
Lời chim, chuông sớm vang
Nắng chiều, hươu nai ngủ
Không phỉ núi, quân giăng
Thúy Vân! Thúy Vân!
– mây biếc – sao biếc thế!
15. Thuyền thao luyện có tâm
Nước sâu, trong một vẻ
Lên lầu, hứng càng nhân
Một dải rơi: ruộng bằng!
Đẹp quá nơi danh thắng!
20. Năm nay vua hoài thăm
Đường vua, cầu vua sang
Đã lâu sạch bụi lá
Gặp nay tháng năm hạ
Dấu xưa (b) lại tròn trăng
25. Lệnh duyệt quân, vua ban
Sánh vai, thế lính vững
Sớm, từ bờ Hương Giang
Đàn ve: tiền, hậu quân!
Chiều, mở đập Thuận Trực
30. Trời, mây, nước mênh mang
Vạn chèo trên dòng lướt
Hùng khí chiều hiên ngang
Gió tự sinh, thuyền vút
Gió khẽ, sóng tự lan
35. Dần đến gần Thúy Vân
Núi đứng nghiêm đợi đón
Thủy tạ đèn hoa giăng
Ghe tiều ghé thuyền tầng
Như tranh, gươm bụt múa
40. Đảo Bồng: thiền không tan! (35)


5

Trước khi duyệt binh, quan Bộ Binh Trần Tiễn Thành đã khỏi hẳn bệnh lị hay cũng thuyên giảm nhiều. Trong ngày đầu năm mới, ông cũng đến chúc tụng vua và đọc thơ ngự chế (36). Sau đó, hai lần ông ta bái tạ khiến vua Tự Đức rất áy náy (37). Trần Tiễn Thành vẫn là vị quan, lạ lùng thay, lại được nhà vua sủng ái nhất!
May thay, những ngày Tết Nguyên đán với tin chiến thắng (38) và tiếp đến là sự chuẩn bị cho cuộc duyệt binh lớn (39) sẽ rất hào tráng đã lấy lại sự phấn chấn cho kinh đô Huế.
Giữa tháng giêng Ất hợi (1875), thượng thư Nguyễn Văn Tường, thượng thư Nguyễn Tư Giản đều hơi thất vọng khi biết linh mục Nguyễn Hoằng vẫn không dịch được những từ ngữ khoa học – công nghệ từ tiếng Pháp, các tiếng Âu Mỹ khác, và cả giám mục Đăng (Dangelzer) cũng thế (40). Quả thật, đây là một khó khăn có thật trong tình hình chung của sĩ phu vốn rất khinh bỉ lẫn ác cảm với ngôn ngữ Tây phương! Đến lúc cần mở rộng tầm nhìn và cần phải học tập Tây học, lại vấp phải hàng rào, chướng ngại vật là ngôn ngữ Tây, nên có những lúng túng, thiếu chủ động.
Cũng khoảng giữa tháng giêng Nam lịch, Ông Ích Khiêm mới ra kinh đô lãnh lại chức trách cũ. Ông vẫn được giữ chức tán tương quân thứ ở Bắc Kì. Đến nay, Ông Ích Khiêm đã khoẻ hẳn, căn bệnh tâm hoả, hay còn gọi là bệnh lo phiền, đã thật sự khỏi. Vua “lại thấy Ích Khiêm vốn hăng hái mà vô lễ, nhân đấy răn rằng: “Người ta có lễ thì yên tâm chăm đọc thi thư, mới làm [được] nho tướng”” (41) . Giọng điệu hoàng đế đối với bầy tôi bao giờ cũng thế!
Trong những ngày Ông Ích Khiêm đợi chỉ dụ, chưa ra Bắc, các đại thần, đặc biệt là thượng thư Nguyễn Văn Tường, có nhiều lần gặp gỡ thân mật, chuyện trò hỏi han Ông Ích Khiêm, một thần đồng đã đỗ cử nhân từ năm mười lăm tuổi, được vua Thiệu Trị vời vào đại nội, ban thưởng, thử lại sức học và tài làm thơ (42). Ông Ích Khiêm là một danh tướng không kém thua Tôn Thất Thuyết. Trong các lần ấy, Nguyễn Văn Tường thường cùng Ông Ích Khiêm ôn lại những năm tháng cùng quân thứ, có nhiều trận sát cánh cùng nhau tiễu phỉ.
Ở Viện Cơ mật – Thương bạc, thượng thư Nguyễn Văn Tường còn có đủ những tin tức trên cả nước và cố nhiên, không thể thiếu tin tức về Bắc Kì, việc thương chính cũng như quân thứ. Ông chỉ hơi ngại Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thuyết sẽ khắc tính nhau, vì cả hai danh tướng này đều rất giỏi về thao lược, không ai chịu bị ai chỉ huy! Nhưng dẫu sao, Ông Ích Khiêm đã có bên cạnh là tổng lí đại thần Phạm Phú Thứ, án sát Ma Xuân Vinh. Đang suy nghĩ về Tôn Thất Thuyết, thượng thư Nguyễn Văn Tường liền nhận được lệnh dụ của vua Tự Đức cho Nguyễn Uy (Oai) giải chức (43) vì toán giặc ở Bắc Ninh chưa dẹp nổi, hai đoàn giặc Cờ đã quy thuận của hai tên họ Chu, họ Triệu lại làm phản (43). Đó là quyết định của vua sau khi Viện – Bạc và Bộ Binh tâu trình về tình hình trong tháng trước. Đồng thời Vua Tự Đức cũng đã quyết định đổi bổ tham tán Tôn Thất Thuyết làm tuần phủ, hộ lí tổng đốc Ninh – Thái, kiêm tổng đốc các việc quân bốn tỉnh [Bắc] Ninh – Thái [Nguyên] – Lạng [Sơn] – [Cao] Bằng (43). Chức trách của Tôn Thất Thuyết rất lớn và quyền hạn rất rộng, cả về dân chính cũng như về quân thứ. Vua lại cho Bắc Ninh đang phải việc khẩn cấp, nên đặt thêm tuần phủ Bắc Ninh, và bổ Phạm Thận Duật thăng thụ chức ấy (43). Không lâu sau, tham tán thuộc tôn thất lại tâu vào một cách khiêm tốn: “Học thức ít, bệnh tật nhiều, xin vẫn theo chức cũ” (43) . Vua liền liền tham khảo ý kiến Viện – Bạc, và ban dụ: “Trẫm đã xét rõ cả rồi, tất phải quân thứ và tỉnh hợp nhất, việc và quyền mới chuyên. Ở Sơn Tây [Hoàng Tá Viêm] cũng thế. Huống chi lại đặt thêm tuần phủ [Phạm Thận Duật], đủ để làm được việc […]. Ngươi nên cố gắng, nghĩa không nên từ. Chớ để trẫm lo nhục” (43) .
Ở Bắc Kì còn có vụ tiến sĩ Phạm Văn Nghị, một kẻ sĩ yêu nước, rất căm thù giặc Pháp, nay bị bọn Pháp làm sức ép, nên phải đi ở ẩn. Vì tuổi Phạm Văn Nghị cũng đã già, vua Tự Đức đành biếu tặng ông một trăm lạng bạc, không nỡ trách cứ việc ông đánh Pháp thất trận ở đồn Độc Bộ (Nam Định) (44).
Tháng hai nguyệt lịch, lại xảy ra một việc rất trầm trọng vì phát hiện được một trường hợp không ngờ. Đó là vụ Vũ Duy Trinh (45). Giám sát ngự sử Chu Duy Tĩnh (thân sinh của Chu Mạnh Trinh (46)) tâu hặc y nguyên là một thống lãnh ngụy, đã ra đầu thú, lại được lục dụng làm bang biện ở Hải Dương, dần dà y thăng đến chức viên ngoại lang Bộ Công. Có điều “xem ngôn ngữ cử chỉ hắn không giống sĩ phu, huống chi lại nịnh nọt, đưa đón, tài giỏi của kẻ tiểu nhân, quân thứ tạm cho chức tán tương, Bộ Lại dâng tờ tâu cho dự hàng án sát!… [Hắn] đã bị nguyên thống đốc Lê Bá Thận nêu hặc. Vua chuẩn giao cho Bộ Binh xét lại. Bộ Binh vẫn để trì trệ. Bộ Lại làm tờ tâu chỉ trình bày là sĩ nhân ở Hải Dương, giấu việc theo giặc” (45) . Và vì vậy, y bị tước hàm chờ xét; hai bộ Lại và Binh (Nguyễn Tư Giản và Trần Tiễn Thành) bị giao cho Nội các xét xử (45). Đình nghị: Vũ Duy Trinh phải bị cách chức, cho y đi làm việc chuộc tội ở sơn phòng Quảng Nam. Cuối cùng, y bị xử chém vì đã bị phát hiện thêm, khi ở Hải Dương, y còn mưu việc cướp bóc (45)! Thật là một vụ án động trời!
Triều đình vào những tháng đầu năm Ất hợi (1875) đã dồn dập bao chuyện vui buồn!
Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Tường có một niềm vui riêng của mình cũng là niềm vui chung của Bộ, đó là những dự kiến trong năm về cải cách một số điều khoản, sửa định luật lệnh nói chung đã được đình thần bàn nghị, và nhà vua duyệt y, chuẩn cho thi hành. Nhất là vào hạ tuần tháng ba, “Hưng Yên, Thanh Hoá theo lệ (tiết đông rét theo lệ có cấp phát), trích tiền nộp chuộc tội phạt roi, phạt trượng, cấp cho tù phạm, [thông] tư Bộ [Hình] làm phiếu trình lên. Vua y cho nhưng phê bảo rằng: “… Ngoài ra chớ quá lạm. Đều [trích] lục, sức [:truyền] cho biết cả”” (47) . Điều đó với thượng thư Nguyễn Văn Tường là niềm vui thật ngọt ngào trong công tác.

6

Tháng ba nguyệt lịch, ngày mậu tuất trong tháng, trời đất bỗng tối sầm như Khâm thiên giám dự tính:
Nhật thực (48)!
Mười một tháng ba Nam lịch (14.04.1875), theo thư thông báo của Nước Cộng hoà Pháp, của Phủ suý Gia Định, và với sự đồng ý của triều đình nhà Nguyễn, lễ hỗ giao “hoà” ước Giáp tuất 1874 được cử hành tại kinh đô Huế (49). Vì thế, kì thi hội năm nay phải đình hoãn (50).
Thượng thư Nguyễn Văn Tường, Kì Vĩ bá, nguyên phó sứ, được phong làm khâm phái đại thần, cùng với thượng thư Bộ Công Phạm Ý, sung làm phó khâm phái, đã đón tiếp sứ bộ Pháp do bá tước thiếu tá hải quân Brossard de Corbigny (Ba Long Bô) dẫn đầu, Regnault de Premesni (Lê Nho) làm phó sứ. Đó là buổi lễ đại diện hai nước trao cho nhau “hoà” ước Giáp tuất 1874, bản “hoà” ước đã được hoàng đế Tự Đức và quốc trưởng (tổng thống toàn quốc) Pháp phê chuẩn. Và “hoà” ước bắt đầu được tính thời hiệu từ ngày đó.
Buổi lễ được tổ chức hết sức long trọng trước sân bên ngoài lầu Ngọ Môn (49), bên trong kinh thành Huế.
Sau đó là nghi thức lưu niệm ngoại giao, hai bên trao tặng các thứ quà biếu của hai nước cho hoàng đế và quốc trưởng cũng như các quan chức tham dự vào việc kí kết, hỗ giao “hoà” ước Giáp tuất 1874. Tất nhiên trong đó có quà tặng bằng khánh vàng cho “tướng mới Du Bi Lê [Dupré], một chiếc; lại nghĩ Du Bi Lê năm trước đã sung làm tướng cũ, [lại] tặng riêng [thêm] một chiếc” (49) , thành hai!
Có một điều rất lạ là tên tướng Pháp Dupré, sau một thời gian về nước, tên tướng Krantz thay, nay y lại đổi tên (?) là Duperré, qua Gia Định tiếp tục làm thống đốc Nam Kì lục tỉnh.
Sau lễ hỗ giao, sứ bộ Pháp được vào triều yết. Đối với nghi lễ nước ta, việc cho sứ thần nước ngoài được triều yết là một sự lệ đặc biệt, tỏ sự ưu ái về ngoại giao. Hôm ấy, trong lúc thân phiên, đình thần đang nghiêm trang tham dự buổi lễ, có lẽ không nén được lòng tò mò, hiếu kì vì lần đầu trông thấy người Pháp, nên Tòng Hoá quận công Miên Trữ, Trấn Tĩnh quận công Miên Dần và hai viên tri huyện kinh sư khác “cúi xuống nhòm trông” (51), “ngẩng trông, nói nhỏ, cười sẽ” (51) . Chẳng qua, vốn lâu nay trong hoàng tộc, quan chức, dân gian cũng ít người có dịp gặp gỡ người Âu Mỹ, “da bạch tạng, tóc râu ngô, mắt xanh, mũi lõ”, nhất là không thể có dịp đứng gần để nhìn cho thật rõ da dẻ mắt mũi họ! Vả lại, mặc dù từ lâu trong nước ta đã có bóng dáng các cố đạo Tây dương, nhưng thật ra họ chỉ được tiếp xúc rất hạn chế, hầu như chỉ với giáo dân.
Khi chấm dứt nghi lễ triều yết, bốn vị ấy và những quan chức, hoàng thân có chức trách liên quan hoặc liên hệ gia đình liền bị vua Tự Đức quở trách và giáng phạt, vì thiếu lịch sự tối thiểu, khiến sứ thần Pháp có thể chê cười người Việt ta về cung cách giao tiếp (51)!
Dẫu sao, lễ hỗ giao “hoà” ước Giáp tuất 1874 cũng hoàn tất.
Dĩ nhiên, một cách rất ngẫu nhiên, tháng ấy, vào ngày mậu tuất, hiện tượng thiên văn nhật thực đã xảy ra. Trong dân gian có lắm người giải thích một cách thần bí, ngây ngô, nhưng không phải sai lầm trong thực tế, rằng Đất nước đang bị ma quỷ ám chướng! Hiện thực lịch sử và hiện tượng thiên văn theo cái nhìn thần bí, một đôi khi, lại trùng hợp, mặc dù chỉ tình cờ.
Đối với vua Tự Đức, triều đình, quan lại và sĩ phu, trước ngày hôm nay một năm hai mươi chín ngày (15.03.1874), tại Gia Định, quả thật, là một ngày quốc hận thứ hai, sau ngày kí kết “hoà” ước Nhâm tuất (05.06.1862). Lễ hỗ giao này chỉ là chính thức hoá ngày quốc hận ấy mà thôi. Và thế là trận chiến ngoại giao, thương mại đã đến ngày diễn ra trên cả nước, nhưng chủ yếu là ở tuyến sông Hồng và các cửa biển phải mở cửa, mở cửa trong vận bỉ của dân tộc. Bấy giờ, triều Nguyễn, kẻ sĩ và toàn thể nhân dân ta hẳn không ngờ Tổ quốc còn lắm ngày quốc hận, mãi cho đến một trăm năm sau (ba mươi tháng tư, một chín bảy lăm: 30.04.1975), non sông mới thống nhất thành một mối!
Sau khi tiến hành lễ hỗ giao xong, Brossard de Corbigni và Regnault de Premesni còn ở lại tại Sứ quán Huế, nơi gần sông An Cựu (52), để cùng hai khâm phái đại thần Nguyễn Văn Tường, Phạm Ý bàn định một văn bản quy ước về phạm vi hoạt động và chức năng giới hạn của khâm sứ Pháp tại kinh đô nước ta.
1. “Xe ngựa, võng lọng của khâm sứ nước ấy giống như tham tri nước ta.
2. Khâm sứ nước ấy đóng ở nước ta không phải nộp hạng thuế lệ nào.
3. Người nước ta không được tự tiện dự việc gì trong dinh thự viên khâm sứ ấy; bộ thuộc của viên ấy cũng không được tự tiện dự vào việc gì ở dinh thự các quan nước ta.
4. Người theo hầu của khâm sứ nước ấy hoặc can phạm khoản gì, ta bắt giao cho viên khâm sứ [để] theo lẽ công bằng xử trị.
5. Văn thư của viên khâm sứ ấy giao cho người nước ta, không được bóc ra tự tiện xem.
6. Khâm sứ nước ấy đến công thự của Thương bạc đại thần, phải đưa giấy thông báo cho biết.
7. Nước ấy đưa thư cho nước ta, [nếu nội dung thuộc về] việc nước ấy, do khâm sứ ấy xét trước, chuyển sang; [nếu nội dung thuộc về] việc nước ta, do viên lãnh sự nước ta [tại Gia Định] xét trước, chuyển sang.
8. Tham biện của khâm sứ ấy bằng lang trung nước ta, kí lục bằng tư vụ.
9. Quan đại thần đóng ở kinh [đô] của hai nước, làm việc công gì, đều chiểu theo lễ tục nước ấy.
10. Sắc thư nước ấy đưa đến cho đại viên đóng ở kinh thành nước ta, thì đại viên ấy phải mặc triều phục bưng đến giao cho Thương bạc đại thần nước ta xem xét.
11. Khâm sứ nước ấy mua gỗ làm dinh thự, thứ nào là hạng cấm, không được mua bán.
12. Người theo hầu của khâm sứ ấy không được tự tiện vào trong kinh thành, [kể] cả nơi cấm ở ngoài thành.
13. Nước ta đặt quan lãnh sự đóng ở Gia Định, cũng giống như với các nước đặt ra.
14. Binh thuyền nước ấy đến cửa biển Thuận An, thì chiểu theo khoản thứ hai mươi sáu (26) của thương ước đã định (không được quá một chiếc thuyền, không được chở binh khí)” (53)
.
Văn bản quy ước này dẫu không thật quan trọng, nhưng cũng phải tranh luận rất gay gắt để giữ được quy cách làm việc của quan chức hai bên lẫn vẻ tôn nghiêm và thể thống của kinh đô một Đất nước có chủ quyền.
Trong những ngày sau đó, tại Hải Dương, triều đình đồng ý cùng người Pháp tạm làm dinh thự Sở Thương chính (54). Và Sở Lãnh sự Hà Nội cũng như vậy, tại khu vực Đồn Thuỷ thuộc tỉnh cố đô. Bởi thương ước Giáp tuất chưa làm lễ hỗ giao với sự phê chuẩn của vua Đại Nam và tổng thống Pháp, nghĩa là chưa có hiệu lực (thời hiệu), nên vật liệu chỉ là tre tranh, địa điểm cũng tạm thời, không phải Đồn Thuỷ mà là Trường thi Hà Nội (54).
Trước đó, nguyên là phó sứ rồi chánh sứ, trực tiếp bàn định, kí tên, đóng dấu vào hai cưỡng ước “hữu nghị” và thương mại 1874, nay thượng thư Nguyễn Văn Tường hiện đang kiêm quản Nha Thương bạc, do đó ông phải theo dõi, chỉ đạo việc kí kết quy ước giữa Trần Đình Túc và Varaigue (tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kì) vào cuối năm Giáp tuất (11.01.1875), về địa điểm xây dựng Lãnh sự quán Pháp tại Hà Nội (55). Địa điểm quy định là “vùng Đồn Thuỷ, ven sông Hồng” . Nhưng rồi Lãnh sự quán Pháp lại tạm đặt tại Trường thi tỉnh cố đô, mặc dù cũng phải có thêm một quy ước về chỗ đóng tạm này, sẽ kí kết giữa Trần Hy Tăng và Brionval (đại diện của Varaigue) vào ngày 30.05.1875 (55), tức là mười sáu hôm sau ngày làm lễ hỗ giao cưỡng ước “hữu nghị” Giáp tuất tại Huế (14.04.1874).
Việc thành lập, xây dựng Sở Thương chính Hải Dương, Lãnh sự quán Pháp tại Hà Nội và Sứ quán Pháp tại kinh đô Huế trong thực tế không phải là việc đơn giản. Không đơn giản là bởi, trong quan hệ ngoại giao nghìn xưa đến nay, giữa nước ta và các nước châu Á Tế Á (Asia) cũng như các châu lục khác, không hề có việc chấp nhận khâm sứ, lãnh sự. Không kể một nghìn năm bị Tàu với các thái thú chiếm đóng, bóc lột. Không kể thời Hồ Quý Ly để mất nước vào tay nhà Minh Trung Hoa. Từ khi Ngô Quyền mở ra kỉ nguyên độc lập, từ khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh đến nay, ngay cả đối với “thiên triều” (!), nước ta cũng không chấp nhận có khâm sứ, lãnh sự Trung Hoa thường trú trên Đất nước mình, chứ đừng nói việc thành lập Nha Thương chính Pháp – Việt! Sở Thương chính là gì? Thực chất đó là cơ quan hải quan và thuế vụ. Can cớ gì người Pháp lại đóng vai trò song song với người Việt ta trong lãnh vực ấy, vốn thuộc chủ quyền nước ta? Thực chất, đó là sự nhân nhượng. Ta chấp nhận cho Pháp cùng ta chia đôi thuế thương chính để bù vào số tiền “bồi thường chiến phí” ngạo ngược, kể cả “bồi thường” cho Tây Ban Nha! Nhưng thuế ấy không chỉ đánh vào tàu thuyền xuất nhập khẩu của người buôn Việt mà cả người buôn Hoa, Pháp, Đức, Anh và nhiều quốc tịch khác. Mới xem qua, thấy Pháp đâu bóc lột gì người Việt, mà chỉ thu thuế của khách thương không phải người Việt. Thực chất, mọi nguồn thu thuế ngoại thương từ các khách thương bất kì nước nào đến buôn bán trên nước ta đều thuộc chủ quyền, sở hữu nước ta, mà người Pháp đã dùng bạo lực súng đạn và sức mạnh thập giá “tả đạo” để cướp lấy. Cửa hải quan và nguồn thu thuế ngoại thương từ ngàn xưa trên nước ta đã được tổ chức, thực thi. Đâu phải mới mẻ gì! Vấn đề là tại sao cửa hải quan và trạm thu thuế ngoại thương hiện tại lại có sự hiện diện của Pháp và chia đôi với Pháp!?!
Vấn đề là thế đó! Đã bị bức chiếm, bị bức ước, phải đành đoạn mất đứt, mất “vĩnh viễn” (!) Nam Kì lục tỉnh, ấy là cả một nỗi phẫn hận lớn và khôn nguôi. Lại còn bị một thực trạng đau xót thường xuyên đập vào mắt: Dinh Khâm sứ thường trú (tại Huế), Sở Lãnh sự thường trú (tại Hà Nội, lại có một trăm [100] tên lính Pháp bảo vệ đóng đồn) và Sở Thương chính thường trú Việt – Pháp (tại Hải Dương, cũng có một trăm [100] tên lính Pháp), thu thuế chia đôi! Đó là cả một sự bạo ngược phi lí về phía Pháp, là một sự nhân nhượng đến mức phải nói là nhẫn nhục, quá đỗi đau xót về phía Đại Nam. Chính vì sự thể đó, nên sĩ phu, nhân dân, quan chức, triều đình và cả vua Tự Đức đều thấy bị xúc phạm, bị cướp bóc trắng trợn, trắng trợn một cách công nhiên, ngay trên phần lãnh thổ còn lại thuộc vương quốc Đại Nam (từ Bình Thuận đến Cao Bằng)! Đã thế, bọn thực dân Pháp vẫn cứ tìm đủ cách, đủ mánh khoé để lừa đảo, bắt bí, lấn ép các quan tỉnh, Nha Thương bạc, triều đình Huế từng chút một.
Vì vậy, vấn đề mới xem qua là rất đơn giản, nhưng thực chất không đơn giản chút nào. Những quy ước về địa điểm đóng Sứ quán, Lãnh sự quán và Sở Thương chính (còn gọi là Sở Thuế đoan) diễn ra không đơn giản vì thế!
“Sách lược thoả hiệp tạm thời”, hay theo cách nói của vua Tự Đức và đình thần, “dùng người Man đánh người Man”, có nghĩa là dùng người nước Thanh đánh người nước Thanh (tiễu phỉ), dùng người Pháp để đánh bọn tay sai ôm chân Pháp (“phù Lê”, “tả đạo”), có thể kể cả việc thuyết phục tên thực dân trí thức ít nhiều còn nhân bản là Philastre nhằm ngăn cản bọn Pháp, để dập tắt nguy cơ thù trong, giảm bớt nguy cơ giặc ngoài. Sách lược ấy phải đành trả giá khá đắt như vậy đó. Trong sách lược này, vai trò “hiệp sĩ phi chính phủ, hành đạo trừ tà” Lưu Vĩnh Phúc rất đáng kể. Sách lược ấy là đối sách vừa nhằm mục đích thanh toán thù trong vừa không gây khích biến với hai thế lực Pháp và Trung Hoa, một đang xâm lược trắng trợn, một đang liên minh nhưng có nguy cơ lật lọng, nguy cơ đầy đe doạ là sẽ “ăn chia” với Pháp! Hơn ai hết, thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Tường, đại thần Viện – Bạc, trực tiếp kiêm quản Nha Thương bạc, thấm thía những khó khăn và nỗi đau nhân nhượng ấy, nhưng ông cũng tự hào phần nào khi sách lược “dùng người Man đánh người Man” có hiệu quả thực tế: các lực lượng xuẩn động ở Bắc Kì dần dần im bặt, sau khi mười hai ngàn (12.000) tên “lính bản xứ” cùng hàng trăm tên khác, cỡ như ngụy tổng đốc thợ rèn tên Trương, bị rơi vào thế “tự lật tẩy”.
Tháng ba Ất hợi, Khâm thiên giám đã dự đoán sẽ xảy ra nhật thực!
Quả thật, đúng như thế. Mặt trời bỗng dưng tắt hẳn. Đất trời bỗng dưng tối sầm.
Thượng thư Nguyễn Văn Tường bình tâm nhìn nhận, cân nhắc lại hai cưỡng ước “hữu nghị” và thương mại Giáp tuất 1874: Được những gì và mất những gì? Tất nhiên, phía ta, không ai lại không đau lòng khi kí kết hai cưỡng ước như thế! Tất nhiên, không ai chấp nhận cái gọi là cưỡng ước trong một tình hình khác, thuận lợi hơn và sáng sủa hơn, ấy là không có giặc Cờ, thổ phỉ, hải tặc, “phù Lê”, “tả đạo” ở Bắc Kì, và binh lực ta hùng mạnh hơn. Năm Tự Đức thứ hai mươi mốt (1868), khi còn làm việc chuộc tội với chức năng khâm phái ở huyện Thành Hoá, được gia hàm thị độc học sĩ để sung vào sứ bộ dự định sang Pháp và các nước châu Âu, Nguyễn Văn Tường đã chẳng phản đối quyết liệt, đồng thời vạch trần âm mưu Pháp lừa ta ngồi vào bàn “hoà” nghị đó sao (56)?
Trong tình thế ngặt nghèo, bị bức bách, sự chuyển nguy làm yên, chuyển bại hẳn thành thắng lợi với chừng mức nhất định, chỉ đến thế, nhưng ông tự nhủ đã gắng gỏi hết sức mình cho Đất nước Đại Nam ruột thịt, yêu dấu.

7

Những tên giám mục, linh mục mang bản chất thực dân cuồng bạo như Gauthier (Ngô Gia Hậu), Croc (Phê Chính Hoà), nghe tin phái đoàn Pháp do Brossard de Corbigny và Regnault de Premesni làm chánh, phó sứ đến Huế, chúng liền tới dinh tỉnh Nghệ An, dinh đạo Hà Tĩnh để làm reo, kêu đòi bồi thường cho giáo dân trong cuộc nội chiến lương – giáo Nam Đàng Ngoài (57)! Cũng như những đời giáo hoàng La Mã đích thực là trùm thực dân (58), cũng như giám mục Pugnier ở Hà Nội, với Gauthier, Croc, không thể gọi chúng là gì nếu không chỉ đích danh là thực dân, một thứ gián điệp khoác áo tu sĩ Thiên Chúa giáo, biến tôn giáo này thành “tả đạo” xâm lược, nô dịch.
Trước tình hình ấy, Viện – Bạc, đình thần cùng vua Tự Đức đã nhận định, bàn luận. Cùng với bốn bản sắc dụ quan trọng trong hai tháng cuối năm ngoái, Giáp tuất (1875):
1. Dụ sĩ dân Bắc Kì,
2. Dụ về tình trạng lính xuất thân từ Bắc Kì,
3. Dụ mở rộng ngôn luận,
4. Dụ về chiêu bài “phù Lê” mị dân (13) (14),

lúc này, nhà vua lại ban thêm một sắc dụ thứ năm, đập mạnh và sâu vào “tả đạo”:
5. Dụ về việc đòi “bồi thường” cho giáo dân (trong cuộc nội chiến lương – giáo Nam Đàng Ngoài!) (57) .
Tuy thế, ngay sau khi đạo dụ thứ năm đã ban ra, chính cả Brossard de Corbigny và Regnault de Premesni cũng với các tên giám mục, linh mục thực dân Gauthier (Ngô Gia Hậu), Croc (Phê Chính Hoà) tiếp tục kêu đòi “bồi thường” (59)! Hết đòi “bồi thường chiến phí” cho chúng để chúng mua sắm, sản xuất súng thép, tàu đồng và nuôi dưỡng bọn viễn chinh cướp nước ta, cướp các đất nước khác, nay chúng lại đòi “bồi thường” cho bọn phản quốc nội loạn, lực lượng hậu thuẫn cho quá trình xâm lăng của chúng! Trong khi đó, thực chất của cuộc nội chiến lương giáo Nghệ – Tĩnh lại được bản dụ chỉ rõ: “Như việc năm trước, dân lương gây ra trước [vì dân giáo theo giúp Françis Garnier], rồi dân giáo nối theo trong đám náo loạn, ai phân biệt cong thẳng? Hoạ tự làm ra thì oán lại ai? Dân lương hay dân giáo đều là dân ta, thì đều là con đỏ của ta. Tự thù hằn nhau, đã là không nên, lại thù hằn với người Pháp, còn ra thế nào? […] Huống chi lại chống cả người Pháp, chống cả quan… […] … Việc ấy cốt nhiên có kẻ xướng xuất mà dân ta bị lừa dối mà thôi. Ôi! Ai xướng xuất là bất nhân quá lắm […]. Lại nghe nói dân giáo hoặc còn kêu bậy không thôi. Không biết dân [theo tôn giáo] của ngươi [:Gauthier, Croc] sao lại nói thế? Ngươi chỉ ngang ngược để gây ra biến, nên mới đến thế. Chúng [:dân lương] cũng chỉ vì dân [giáo] của ngươi để đến bị hại. Ngươi sao còn có không công bằng? Như bảo, dân giáo của ngươi nhiều người bị chết, dân lương há không chết nhiều ư? Bảo rằng của cải dân giáo mất nhiều, dân lương bị mất, so với ngươi há lại chẳng gấp đôi ư? Nếu hết thảy phải đền [cho] ngươi, thì dân lương bị mất, sẽ ai phải đền?… Trong khi chiến tranh, ngọc, đá đều cháy […]. Triều đình xử trí cho hai bên không ngờ ghét nhau…” (57) .
Đồng thời với những kêu đòi “bồi thường” ngược ngạo đó, Pháp lại một mực nằng nặc yêu sách triều đình Đại Nam loại trừ “hiệp sĩ phi chính phủ, hành đạo trừ tà” Lưu Vĩnh Phúc. Kêu đòi ngược ngạo đó lại diễn ra trong khi nhiều tỉnh ở Bắc Kì, nhân dân đang bị mất mùa, lâm vào cảnh thiếu đói!

Hết tệp 10
(phân đoạn 2 truyện kí thứ 8)

Khởi viết truyện kí thứ tám này
vào lúc khoảng 07 giờ sáng,
ngày 17.11.2002 (13.10 Nh. ngọ, HB.2).
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 8 lúc 16 giờ kém 10 phút,
ngày 30.11.2002 (24.10 Nh. ngọ, HB.2).
Sữa chữa xong vào lúc 15 giờ 24 phút,
ngày 04.12.2002 (01.11 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(28) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 146 – 147.

(29) Nguyễn Đắc Xuân (biên soạn), Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành, bài của Đào Duy Anh trong Bulletin des amis du vieux Huế (1941), Bùi Trần Phượng dịch, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 25.

(30) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 157.

(31) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 59 – 60, 307.

(32) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 164.

(33) Câu đối của Nguyễn Văn Tường do nhà thơ Lương An sưu tầm. Xin xem: KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT., bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản), bản dịch nghĩa của Nguyễn Tôn Nhan và bản dịch vần của Trần Xuân An, tr. 77 – 79.

(34) KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT., sđd., thơ Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), bài số 62, bản dịch nghĩa của Nguyễn Tôn Nhan và bản dịch vần của Trần Xuân An, sđd., 2000, tr. 369 – 376.

(35) KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT., sđd., thơ Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), bài số 59, bản dịch nghĩa của Nguyễn Tôn Nhan và bản dịch vần của Trần Xuân An, sđd., 2000, tr. 355 – 361.

(36) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 159.

(37) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 161.

(38) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 159.

(39) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 163.

(40) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr.164 – 165.

(41) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 163 – 164.

(42) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 276 – 277.

(43) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 170.

(44) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 176.

(45) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 169 – 170.

(46) QTHKL., sđd., 1993, tr. 309.

(47) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 189 – 190.

(48) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 177.

(49) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 177 – 178.

(50) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 168.

(51) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 179 – 180.

(52) Sứ quán cũ vốn ở gần sông An Cựu, nơi để tiếp sứ thần các nước. Đến tháng tư, năm Tự Đức thứ 29 (1876), Sứ quán Pháp mới được phép xây dựng tại chỗ đất của Trường Thuỷ quân (nay là Đại học Sư phạm Huế).

(53) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 180 – 181.

(54) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 181.

(55) Dương Kinh Quốc, Việt Nam, những sự kiện lịch sử (VN., NSKLS.), tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 176 – 177.

(56) ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 202 – 204.

(57) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 186 – 189.

(58) Machiavel, Quân vương (Le Prince), Phan Huy Chiêm dịch, Nxb. Quảng Hoá, 1968, tr. 48 – 53; Trần Tam Tĩnh (linh mục, giáo sư, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Canada), Thập giá và lưỡi gươm (Dieu et Céçar, [dịch thoát]), Vương Đình Bích (linh mục) dịch, Nxb. Trẻ, 1988, tr. 14 – 15. Theo Machiavel, cha đẻ của Céçar Borgia là giáo hoàng Alexandre VI. Nhân vật lịch sử Céçar Borgia cũng giống như hình tượng Tào Tháo trong Tam quốc diễn nghĩa ở thủ đoạn sử dụng “bung xung”. Theo linh mục Trần Tam Tỉnh, giáo hoàng Alexandre VI đã ra sắc chỉ “Giữa những điều khác (Inter caetera, 04.5.1493)” và trước đó, giáo hoàng Nicolas sắc chỉ “Giáo hoàng Rôma (Romanus Pontifex, 08.01.1454)” để cho phép và ủng hộ Tây ban Nha, Bồ Đào Nha đi xâm lược tất cả những nước “ngoại đạo”, khởi đầu của những thế kỉ chủ nghĩa thực dân Phương Tây hoành hành trên các châu lục Á, Phi, Mỹ, Úc (châu Đại Dương). Nguyên văn sắc chỉ 08.01.1454 được dịch và trích dẫn như sau: “Toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Xaradanh (Sarrasins tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của giáo hội, gặp bất cứ nơi nào; được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất đô hộ và tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn” (sđd., tr. 15).

(59) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 190.

Soạn xong phần chú thích
vào lúc 19 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2).


TRẦN XUÂN AN


HẾT TỆP 10
(PHÂN ĐOẠN 2 TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Xin xem tiếp TỆP 11
(phân đoạn 3 truyện kí thứ 8)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home